Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhân lực ngành du lịch: Thiếu trầm trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm, Đà Nẵng đón hàng triệu lượt khách du lịch trên thế giới nhưng HDV các thứ tiếng thì lại rất hạn chế

Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (HHDLĐN), mỗi năm, các trường ĐH, CĐ, TCCN tại thành phố này chỉ cung cấp được khoảng 1/6 nhu cầu nhân lực. Đến năm 2015, ngành du lịch của thành phố phát triển sôi động nhất miền Trung này sẽ thiếu khoảng 10.000 lao động.
Trên thực tế nhân lực ngành du lịch đang khủng hoảng thiếu không những về số lượng mà cả về chất lượng. Nguyên nhân xuất phát từ việc đa phần SV sau khi tốt nghiệp chuyên ngành du lịch đều phải đào tạo lại mới có thể làm việc được… 
Thiếu mà thừa
Theo thống kê chưa đầy đủ của HHDLĐN, bình quân mỗi năm, các trường ĐH, CĐ, TCCN trên địa bàn chỉ cung cấp đủ khoảng 1/6 nhu cầu nhân lực cho ngành này. Ước tính, đến năm 2015, Đà Nẵng thiếu khoảng 10.000 lao động trong lĩnh vực du lịch. Theo nhận xét của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch HHDLĐN: Nhìn trên mặt bằng đào tạo thì thiếu trầm trọng nhưng suy cho cùng, đó chỉ là sự khủng hoảng thiếu số lượng và thừa “chất lượng”. Nguyên nhân, ngành du lịch đòi hỏi một nguồn nhân lực đáp ứng đủ nhu cầu trên tất cả các vị trí tạo nên cơ cấu tổ chức đồng đều, thế nhưng hầu hết SV, HS theo học những trường nghề trên địa bàn Đà Nẵng đều tập trung chọn các ngành học như: Hướng dẫn viên (HDV), lễ tân, quản trị… trong khi đó, vị trí này chỉ chiếm khoảng từ 5 đến 15% lượng nhân viên ngành khách sạn, khu resort. Các ngành còn lại như: Buồng phòng, đầu bếp, phục vụ, bảo vệ… chiếm từ 30-70% nguồn nhân lực thì lại rất ít người chọn học. Sự mất cân bằng trong số lượng đào tạo nghề dẫn đến nghịch lý thiếu số lượng nhưng thừa “chất lượng”.
Mặt khác, tâm lý chung của SV khi đi xin việc, phỏng vấn tuyển dụng đa phần họ chỉ dự thi vào các vị trí quan trọng như trưởng bộ phận hoặc các vị trí có công việc nhàn hạ, lương cao. Cùng với đó, tâm lý “địa vị” vẫn tồn tại trong quan niệm của nhiều người, không mấy ai tự tin khi giới thiệu với bạn bè vị trí mình đang làm. Vì thế, dù biết rằng các vị trí như buồng phòng sẽ dễ kiếm việc làm trong thời buổi hiện nay thì cũng rất ít người theo học. Thậm chí nhiều người học xong nhưng khi thi tuyển lại “né” chuyên ngành mình đã học.
Một yếu tố nữa, đa số SV khi được nhà tuyển dụng trực tiếp phỏng vấn đều tỏ ra yếu kỹ năng mềm; yếu ngoại ngữ. Theo các nhà tuyển dụng, hầu hết lao động khi tuyển vào đều phải đào tạo lại bài bản từ đầu nên tốn thời gian và kinh phí. Đã thế, hiện nay sự thiếu thừa này đang gây ra cơn sốt ảo về hệ số lương, các lao động đều mong muốn kiếm được một chỗ làm có lương cao nên liên tục nhảy việc.
Bà Hồ Thị Bích Thủy, Phó giám đốc Công ty Du lịch Vitour (chi nhánh Đà Nẵng) cũng cho rằng, thời gian gần đây du lịch miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng phát triển mạnh, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trên thế giới. Theo đó các trường CĐ, ĐH, TCCN cũng đã mở rộng chuyên ngành đào tạo về du lịch. Thế nhưng trên thực tế mặt bằng đội ngũ HDV của các công ty lữ hành ở miền Trung vẫn còn khá yếu so với hai đầu đất nước. Đáng chú ý là kiến thức tổng hợp của HDV về các địa danh còn yếu; sự tự bồi bổ kiến thức còn chưa được ý thức một cách mạnh mẽ. Trong khi ở Hà Nội, TP.HCM mỗi năm một HDV dẫn vài trăm đoàn khách thì ở miền Trung, chỉ độ vài chục đoàn, nếu không chịu tìm hiểu, bồi bổ kiến thức thì chuyên môn cũng như kinh nghiệm, kỹ năng đều tụt hậu.
Để đáp ứng từng đó nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi của du khách, các đơn vị làm du lịch ở TP.Đà Nẵng buộc phải tuyển đến 40% lao động tay ngang, chưa qua đào tạo. Đây là một thực tế nếu không có giải pháp kịp thời trong đào tạo, tuyển dụng thì sức hấp dẫn cũng như các dự án đầu tư sẽ kém hiệu quả.
Đỏ mắt tìm HDV giỏi ngoại ngữ

Khách du lịch đến Cảng Tiên Sa – Đà Nẵng

Tỷ lệ nghịch với lượng khách du lịch nước ngoài đến miền Trung ngày càng tăng vọt thì lượng HDV biết tiếng nước ngoài khan hiếm như… lá mùa thu. Thời điểm cuối năm 2011, Đà Nẵng chỉ có 7 HDV tiếng Thái có thẻ; hơn 10 người biết tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nhật; tiếng Trung là khoảng 25 người. Con số này vào năm 2012 tăng không đáng kể. Vì vậy, vào những đợt cao điểm du khách nước ngoài đến đông, lượng HDV biết ngoại ngữ không đủ đáp ứng nhu cầu hướng dẫn. Để đáp ứng, nhiều công ty du lịch tìm giải pháp “nóng tay bắt lỗ tai”, thuê HDV từ các địa phương khác hoặc sử dụng đội ngũ SV mới tốt nghiệp ĐH rồi tổ chức huấn luyện nhanh làm HDV dẫn khách. Nhiều công ty còn cho cả HDV chưa được cấp thẻ chứng nhận, không có nghiệp vụ du lịch, thậm chí bị thanh tra du lịch lập biên bản khi đang hướng dẫn. Nhiều nơi lại thuê luôn Việt kiều của nước đó để hướng dẫn. Đơn cử như Công ty Vietravel, không có HDV tiếng Hàn; về tiếng Nhật chỉ có 1 HDV, còn lại có đến gần 20 cộng tác viên. Vào giai đoạn cao điểm công ty này thiếu đến gần 30%. Để lấp chỗ trống, công ty buộc phải dùng HDV tiếng Anh ở những đoàn khách Hàn có mang theo HDV từ nước mình.
Tuy nhiên đây không phải là cách làm hay, bởi đã có trường hợp khi đến điểm tham quan thì HDV công ty Việt chỉ chịu trách nhiệm mua vé vào cửa chứ không trực tiếp hướng dẫn mà để HDV nước ngoài hướng dẫn nên bị phạt hàng chục triệu đồng. Theo nhìn nhận của cán bộ ngành du lịch, việc để HDV nước ngoài dẫn là điều không nên bởi họ ít hiểu hết văn hóa – lịch sử và truyền thống của Việt Nam, có thể làm sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Mục tiêu của Đà Nẵng là hướng đến thành phố có môi trường đáng sống. Với những mục tiêu đầy hấp dẫn, thành phố biển này ngày càng được du khách thập phương tìm đến. Điều này đặt ra không chỉ riêng cho ngành du lịch mà còn cả ngành giáo dục ĐH lẫn các quyết sách ưu tiên của chính quyền trong việc giải bài toán đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chuyên nghiệp và đồng đều trên tất cả các vị trí, các thứ tiếng mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)