Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhân lực ngành thống kê: Đào tạo thoi thóp, liên kết lỏng lẻo

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên ngành thiết kế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong giờ học nhóm. Ảnh: N.T

Lần đầu tiên vấn đề nhân lực ngành thống kê được đưa lên bàn nghị sự với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế. Chất lượng nhân lực yếu kém, đào tạo thoi thóp, liên kết trường học với cơ quan, doanh nghiệp lỏng lẻo… là hàng loạt hạn chế được chỉ ra trong Hội nghị đào tạo thống kê tại các trường ĐH do Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Người học không mặn mà
Theo Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội – GS.TS Phan Công Nghĩa – hiện nay ở Việt Nam các trường có đào tạo chuyên ngành thống kê gồm Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế – ĐH Huế, việc duy trì và phát triển chuyên ngành cũng chưa được chú trọng. Số lượng ngành đào tạo giảm mạnh, chương trình đào tạo ĐH bị thu hẹp, đào tạo sau ĐH thoi thóp. Với các trường không đào tạo chuyên ngành thống kê, phần lớn chỉ giảng 1-2 môn thống kê cơ bản và ứng dụng. Thậm chí có ngành không giảng môn thống kê nào dẫn đến “lỗ hổng” quan trọng trong kiến thức của các cử nhân kinh tế khi ra trường. Đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thông tin có năm trường chỉ có 1-2 thí sinh thi vào chuyên ngành này. PGS.TS Bùi Đức Triệu (giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) trăn trở khi hàng năm, hầu hết các trường không tuyển đủ chỉ tiêu ngành học này. Điểm đầu vào các năm của thí sinh bằng hoặc thấp hơn điểm sàn của trường. Năm 2013, điểm đầu vào của sinh viên ngành thống kê 4 trường trên chỉ thấp nhất là 13 điểm, cao nhất là 21,5 điểm. Thống kê tại thời điểm tháng 10-2013, Trường ĐH Kinh tế – ĐH Huế có 11 giảng viên, 1 người có học vị tiến sĩ (9 %); Trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng có 2/10 giảng viên là tiến sĩ (đạt 20%); Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là 5/11 (45,5%), Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội là 8/18 (44,4%).
Khó làm đúng ngành
Điều tra của Đỗ Văn Huân – Cao Quốc Quang (Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) trên 307 sinh viên tốt nghiệp từ năm 2001-2012 cho thấy hiện tại chỉ 28% số tốt nghiệp ra làm việc đúng chuyên ngành, 72% không có việc đúng chuyên ngành. Cũng theo điều tra này, 48,3% số người làm việc đúng chuyên ngành chỉ gắn bó với công việc chưa đầy 1 năm và con số trung thành với công việc đúng chuyên ngành trên 2 năm chỉ chiếm 24,1%. Không những thế, theo GS.TS Phan Công Nghĩa việc đào tạo, xác định nguồn tuyển hiện chỉ làm kiểu… áng chừng vì chưa có đơn vị nào dự báo nguồn nhân lực ngành thống kê. Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, việc nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn của người làm thống kê được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030. Một trong những giải pháp là nâng cao chất lượng đào tạo thống kê tại các trường đào tạo và gắn kết quan hệ với cơ quan sử dụng nhân lực. Tuy nhiên ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cho hay: 11 năm qua, trong khi số công chức, viên chức của TCTK tăng lên thì những người được đào tạo chuyên ngành thống kê lại giảm từ 47% xuống còn 37%. Cứ cách 2-3 năm TCTK lại tuyển khoảng 200-300 công chức, trên 20 bộ ngành và các đơn vị, các sở mỗi năm cũng cần vài trăm người. Nhu cầu lớn nhưng ông Lâm cũng cho biết TCTK chưa từng có “đơn đặt hàng” cho các cơ sở đào tạo. Các bộ ngành, cơ sở cũng không chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ thống kê. Bên cạnh đó, theo ông Lâm công tác tuyển dụng của tổng cục cũng cần phải sửa cho phù hợp như chính sách lương, thời điểm tuyển dụng… Ông Lâm cũng mong muốn được nâng cấp  Trường Trung cấp Thống kê lên thành CĐ Thống kê, Trường CĐ Thống kê lên Trường ĐH Thống kê để tập trung nâng chất lượng đội ngũ giảng viên, sinh viên chuyên ngành. Tuy nhiên, theo Phó hiệu trưởng Phan Công Nghĩa thì việc làm này cần cân nhắc kĩ lưỡng, tránh kiểu “nồi da nấu thịt”, đào tạo chồng chéo. Chính phủ, Bộ GD-ĐT cần thận trọng và có tính toán phân công công việc cho từng đơn vị đào tạo. Cạnh tranh là cần thiết nhưng nên có phân công công việc để mỗi đơn vị thực hiện tốt nhất khả năng, vai trò của mình.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)