Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhân lực ngành xây dựng: Địa phương đang “khát”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các công trình hiện đại ngày càng nhiều nhưng nhân lực cho xây dựng vẫn còn ít

“Nói đến đào tạo nhân lực có trình độ đại học (ĐH) đáp ứng nhu cầu của ngành xây dựng tức là nhắm đến số lượng và chất lượng nhân lực thuộc các ngành nghề đào tạo có liên quan mà 5 năm sau xã hội cần được bổ sung thêm vào nguồn nhân lực đã có tại thời điểm hiện tại. Đây là một công việc rất khó”. Đó là nhận xét của TS.Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tại tọa đàm đào tạo ĐH theo nhu cầu xã hội trong lĩnh vực xây dựng do Tổng hội vừa tổ chức.

“Lệch pha” giữa cung và cầu
TS. Nguyễn Khắc Cường, Trưởng khoa Xây dựng ĐH Bình Dương cho biết chỉ tính riêng TP.HCM hiện nay đã có 12 trường ĐH và một số trường CĐ liên kết đào tạo các chuyên ngành xây dựng công trình. Nếu tính luôn các trường lân cận TP.HCM thì trung bình một năm các tỉnh phía Nam đào tạo khoảng trên 6.000 sinh viên ngành xây dựng. Sơ bộ mỗi năm có chừng 3.000 kỹ sư xây dựng công trình ra trường. Số lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Hiện đối với ngành xây dựng nói riêng và các ngành nghề khác nói chung đang vấp phải “bài ca” của các doanh nghiệp là đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam là vô lý. Ngay cả ở những nước phát triển, kỹ sư ra trường không thể dùng ngay. Họ phải qua một thời gian tập sự. Nhưng ở Việt Nam, chưa có thể chế hóa về thời gian tập sự của kỹ sư. Thời gian sinh viên thực tập phụ thuộc vào từng trường và TS.Liêm khẳng định cần phải được thể chế hóa vấn đề này. Ông đưa ra ví dụ ở nước ngoài để vào được một công ty nào đó, kỹ sư còn phải “đào tạo lại dài dài” vì mỗi công ty có một công nghệ và bí quyết kinh doanh riêng. Nếu dùng được ngay chỉ là do “bí”. Nhưng theo GS. TS Nguyễn Tài, chủ nhiệm khoa Kiến trúc công trình, ĐH DL Phương Đông thì nếu sinh viên ra trường không tiếp thu được công nghệ mới, nhà trường phải xem xét lại. Nhà trường không thể “chạy theo” công nghệ mới nhưng phải trang bị được kiến thức cơ bản để sinh viên ra trường có thể tiếp thu, xử lý được.
Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu xã hội cũng cần xem xét ở khía cạnh chính bản thân những người kỹ sư đó. TS. Liêm cho rằng cần phải có định kỳ để xét lại chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp của người đó, giống như một bài kiểm tra bắt buộc để khẳng định trình độ và kỹ năng trau dồi của người kỹ sư sau khi ra làm việc. GS.TS Nguyễn Tài khẳng định hiện các hội thảo về đào tạo theo nhu cầu xã hội của ngành giáo dục vẫn nặng về đào tạo nghề, đào tạo cho doanh nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu của thí sinh, của phụ huynh “vênh” với chủ trương, chiến lược phát triển của các nhà quản lý. Nhu cầu của xã hội chỉ tập trung đi vào những ngành “ăn ngay” nhưng nếu để phục vụ chiến lược phát triển của xã hội thì rất nhiều ngành khoa học cần được phát triển. Có nhiều ngành thuộc lĩnh vực xây dựng hiện đang rất khó tuyển sinh. 
Địa phương “khát” nhân lực
Ông Liêm nói: “Nhân lực cho ngành xây dựng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là sự vênh nhau giữa nhu cầu của người học và nhu cầu thực của xã hội. Hơn thế nữa, việc xác định ai là người có nhu cầu thì không phải chỉ mình trường ĐH có thể làm được”.
Về nhu cầu nhân lực của ngành xây dựng, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng khẳng định ngay cả trường cũng không thể biết được “nhu cầu” hiện nay đối với ngành xây dựng là như thế nào. Nhưng có một điều mà ông có thể chắc chắn là các địa phương hiện đang rất thiếu nhân lực trong lĩnh vực này. Ông lấy dẫn chứng hiện các nhu cầu học tại các lớp liên kết của trường mở tại các địa phương là rất lớn. Như ở Yên Bái, mỗi năm trường mở một lớp khoảng 70 người và khi tốt nghiệp thì còn khoảng 40 người. Ở các địa phương khác như Hải Phòng cũng thế. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp thường muốn “trụ” lại các thành phố lớn để “dụng võ”. Lãnh đạo Tổng công ty xây dựng sông Đà cho biết, mỗi năm, tổng công ty cần tuyển 3.500 – 4.000 lao động nhưng chỉ cần từ 300 – 350 kỹ sư thuộc các ngành xây dựng. Cơ hội dành cho các tân kỹ sư trong ngành xây dựng ở các công ty lớn, các thành phố lớn không phải không có nhưng cơ hội đó không dành cho tất cả mọi người. Về các địa phương để “dụng võ” không phải là không có lý trong thời gian tới đối với các kỹ sư tương lai.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)