Theo các chuyên gia, thời gian qua TP.HCM đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực robot tự động hóa nhưng doanh nghiệp vẫn than thiếu, nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như hiện nay.
Robot trong tự động hóa sản xuất công nghiệp |
Nhu cầu kỹ thuật viên cao cấp ngày càng tăng
TP.HCM hiện có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhưng chưa quy hoạch tới từng ngành nghề và trình độ đào tạo, quy mô một số cơ sở GDNN còn nhỏ, chưa hình thành cơ sở chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế. Các trường ĐH sư phạm kỹ thuật mới chỉ đào tạo giáo viên GDNN cho một số ngành nghề… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến đào tạo nhiều ngành nghề nhưng không đáp ứng đủ nguồn nhân lực các ngành mà TP đang cần.
Riêng hệ thống GDNN tại TP.HCM, số liệu tuyển sinh phân công theo lĩnh vực năm 2017 ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu đạt 52.056 người (tỷ lệ 11,25%); công tác đào tạo phân công theo lĩnh vực ở 4 nhóm ngành này cũng chỉ đạt 7,54% (tương đương 27.012 người). Từ kết quả này cho thấy, cung vẫn còn vênh với cầu, chưa gắn với dự báo nhu cầu nhân lực, dự báo việc làm và yêu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các nhóm ngành công nghệ kỹ thuật tiên tiến, cụ thể là robot tự động hóa.
PGS.TS Lê Hoài Quốc (Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM) cho rằng nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu Công nghệ cao là rất lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tự động hóa. Trong khi đó, ông Izaki Hiroshi (Cơ quan đại diện hợp tác quốc tế Nhật Bản – Jica Việt Nam tại TP.HCM) nhìn nhận: Việc sử dụng robot trong tự động hóa sản xuất công nghiệp là lĩnh vực mới ở Việt Nam nhưng trong tương lai gần, Việt Nam đang hướng tới công nghiệp hóa thì nhu cầu kỹ thuật viên cao cấp cũng vì thế mà tăng cao.
“Chúng tôi đánh giá cao kết quả hợp tác giữa các trường với doanh nghiệp, song để bền vững và chất lượng ngày càng cao thì không dừng lại ở đó mà cần mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp FDI. Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đã chủ động tìm kiếm sự hợp tác nhằm nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên và đạt được những kết quả nhất định. Hợp tác với VJTC sẽ có nhiều thuận lợi bởi đó là nơi huấn luyện, đào tạo lao động cho doanh nghiệp, kết quả đánh giá kỹ năng nghề của học sinh – sinh viên sẽ được doanh nghiệp đón nhận”, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) nói. |
Để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TP, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết trong thời gian tới sẽ chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp robot và tự động hóa. Trước mắt, ông Lâm đề nghị các cơ sở GDNN tiếp cận công nghệ tiên tiến của nước ngoài, trong đó có Nhật Bản và chuyển giao công nghệ phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển của TP. Bên cạnh nguồn lực sẵn có và xã hội hóa trong đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM sẽ liên kết với Trung tâm Đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt Nhật (Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM – VJTC) để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực robot tự động hóa. Nguồn nhân lực này phải được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn vững và kỹ năng thực hành tốt đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp công nghệ cao trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.
Hợp tác phát triển ngành robot tự động hóa
Ông Izaki Hiroshi cho biết Jica đang xem xét cử tình nguyện viên ngành cơ khí và điện tử để hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực thông qua chương trình thực tập liên quan đến cánh tay phải robot; hỗ trợ phát triển chương trình thực tập; chuyển giao công nghệ, cộng đồng nghiên cứu với các đối tượng là trường ĐH-CĐ và doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghiệp robot và tự động hóa.
Ông Lê Hoài Quốc khẳng định, với xu thế phát triển các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TP và sự hỗ trợ của doanh nghiệp đối tác cũng như Chính phủ Nhật Bản, robot và tự động hóa sẽ là lĩnh vực ưu tiên phát triển và đào tạo nghề. Trong vòng 5 năm tới, VJTC sẽ trở thành trung tâm đào tạo và huấn luyện về robot, tự động hóa hàng đầu của Việt Nam và hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á trong 10 năm nữa.
TS. Nguyễn Minh Thành (Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM) cho biết tháng 5-2017, Chính phủ Nhật Bản cũng đã tài trợ phòng thực hành robot tự động hóa thông qua dự án Jica. Hiện trung tâm cũng đã trang bị đầy đủ máy móc và thiết bị hiện đại để có thể cung cấp chương trình đào tạo hiệu quả và có chất lượng cao về lĩnh vực robot tự động hóa, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đa dạng của doanh nghiệp TP.HCM trong tương lai. Trung tâm sẽ tạo mọi điều kiện để giáo viên GDNN có thể tiếp cận, thực hành, qua đó chuẩn bị giáo trình giảng dạy sát thực tế hơn.
T.Anh
Bình luận (0)