Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhân ngày 1-6: Sân khấu kịch thiếu nhi: Chỉ hoạt động theo “mùa”?

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh hoành tráng trong vở kịch thiếu nhi Tề Thiên Đại Thánh của Sân khấu IDECAF. Ảnh: H.A.T
Được đến rạp xem kịch thiếu nhi là một nhu cầu có thật của khán giả nhí. Nhưng một điều đáng buồn là các sân khấu kịch “danh giá” tại TP.HCM cũng như Hà Nội hiện nay chỉ diễn kịch thiếu nhi theo… “mùa”. Việc có những sân khấu kịch dành riêng cho thiếu nhi mang tính thường xuyên và lâu dài là vô cùng cần thiết.
Một nhu cầu có thật
Chị Nguyễn Kim Loan (quận Tân Bình – TP.HCM) cho biết: “Trẻ em ngày càng có nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu giải trí của mình. Bên cạnh phương tiện giải trí chủ yếu là truyền hình, băng đĩa, sách truyện thiếu nhi thì việc được ba mẹ đưa đến các sân khấu xem kịch thiếu nhi vẫn là sự thích thú nhất của các em. Nhưng mỗi lần muốn đưa con em đi xem kịch thiếu nhi, tôi đành phải bó tay vì không có sân khấu diễn cố định, chỉ biết chờ đợi “đến hẹn” mới đưa con đi xem kịch được”. Ý kiến của chị Kim Loan là hoàn toàn xác thực. Ba đơn vị kịch thiếu nhi được xem là nổi bậtnhất hiện nay như Sân khấu IDECAF với chuỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa; Nhà hát Kịch TP công diễn miễn phí tại Rạp Công Nhân và các huyện ngoại thành vùng sâu – vùng xa với chương trình Tiếng nói trẻ thơ do Quỹ Thụy Điển tài trợ; Nhà hát Tuổi Trẻ ( Hà Nội) hàng năm vào các dịp hè, Quốc tế thiếu nhi, Trung thu cũng ra mắt các vở kịch phục vụ các em. Anh Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF bộc bạch: “Từ lâu, kịch thiếu nhi đã trở thành thương hiệu riêng của Sân khấu IDECAF. Chính vì thế mà mỗi độ hè về, chúng tôi tạm gác việc dàn dựng những vở kịch người lớn để tập trung vào việc thực hiện kịch cho các em thiếu nhi, xem đây là một món quà dành tặng cho các em sau một năm học hành căng thẳng”. Mùa Quốc tế thiếu nhi năm nay, Nhà hát Kịch TP sẽ công diễn vở kịch thiếu nhi xúc động Những đứa trẻ của tác giả và đạo diễn Hoàng Duẩn đề cập đến công việc học tập và cuộc sống khó khăn của các em nhỏ lang thang cơ nhỡ. Sân khấu kịch IDECAF tiếp tục dàn dựng chương trình Ngày xửa ngày xưa 22 với vở An Ly và thần băng giá của tác giả Quang Thảo, đạo diễn Đình Toàn công diễn tại Nhà hát Bến Thành từ ngày 27-5. Còn Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh lần đầu “vào cuộc” với vở kịch thiếu nhi vui tươi Chú kiến lạc loài. Tuy nhiên, các sân khấu kịch này cũng chỉ hoạt động theo “mùa” chứ không thường xuyên. Các sân khấu Kịch Phú Nhuận, Nụ cười mới, 5B có thời gian “nhảy” sang dựng kịch thiếu nhi nhưng rồi cũng “chết yểu” bởi theo NSƯT Hồng Vân – Giám đốc Sân khấu kịch Phú Nhuận tâm sự: “Làm sân khấu thiếu nhi thấy có vẻ đơn giản nhưng thực ra rất cực. Đầu tư thực hiện chương trình rất tốn kém nhưng vẫn thường xuyên bị lỗ vốn. Mặc dù rất mặn mà với sân khấu thiếu nhi, nhưng điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, thiếu sàn tập, sàn diễn… chúng tôi đành phải tạm ngưng”.
Không thể phát triển tự phát mãi
Có thể nói rằng, để xây dựng một vở kịch thiếu nhi hoành tráng trên sân khấu rất tốn kém kinh phí. Nếu làm không khéo có khi lại không thu hút khán giả nhí bằng các chương trình khác. Nhưng không phải vì thấy khó mà không làm. Bởi khi phương tiện giải trí ngày càng đa dạng, đặc biệt sự phát triển của game online với nhiều tác động không tốt thì người lớn càng phải có sự định hướng cho các em. Nếu kịch thiếu nhi có đất sống thì những người thực hiện sẽ mạnh dạn vào cuộc. Một sân khấu kịch đúng nghĩa dành riêng cho thiếu nhi phải có lịch diễn cố định hàng tuần và giờ giấc hợp lý để các em tiện đi xem. Ngoài ra, cần phải liên tục dàn dựng kịch bản mới, sáng tạo độc đáo theo xu hướng mà các em yêu thích. Nghệ sĩ Khánh Hoàng – Giám đốc Nhà hát Kịch TP chia sẻ: “Cái khó khăn lớn nhất đó là kinh phí. Nếu để kinh doanh trong lĩnh vực sân khấu cho thiếu nhi thì chắc chắn sẽ khó có lợi nhuận cao. Ngay như chương trình Tiếng nói trẻ thơ được tổ chức mang tính thường niên nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể đầu tư khiêm tốn theo mức độ tài trợ của Quỹ Thụy Điển”.
Đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc – Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM khẳng định: “Sân khấu thiếu nhi đang phát triển tự phát nên mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu giải trí của khán giả nhí. Sân khấu thiếu nhi đang thiếu sự quan tâm, đầu tư đúng mức, để phát triển dài lâu. Hiện nay, trong xu thế hội nhập, ở các lĩnh vực điện ảnh, xuất bản… hầu hết đều liên kết để tạo sự phát triển, nên chăng các đơn vị sân khấu cần có sự hợp tác để cùng xây dựng những chương trình cho thiếu nhi một cách quy mô. Tìm tác giả viết kịch bản cho thiếu nhi, kêu gọi sự hợp tác liên kết của nhiều nghệ sĩ thuộc các loại hình khác nhau như: kịch, xiếc, múa rối… Tuy nhiên, nếu chỉ đơn lẻ cá nhân nghệ sĩ hay một nhà hát thực hiện thì khó có thể có những chương trình thật sự quy mô cho khán giả nhỏ. Ngoài sự năng động của mỗi đơn vị, mỗi nhà hát khi tìm các dự án, các nhà tài trợ cho chương trình thiếu nhi, Nhà nước cũng nên dành một nguồn kinh phí để dàn dựng những chương trình có tầm cỡ cho các em”.
Khôi Nguyên

“Lúc mới bắt tay vào làm sân khấu thiếu nhi, tôi và NSƯT Thành Lộc đã đối diện với nhiều khó khăn. Có những chương trình bị lỗ vốn. Nhưng làm kịch thiếu nhi, chúng tôi thấy cái “lời” nhất là tạo dựng được một thế hệ khán giả nhí cho sân khấu thiếu nhi tương lai…”. Anh Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF cho biết!

 

Bình luận (0)