Giáo sư – nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu vẫn say mê làm việc dù đã 95 tuổi |
Độ tuổi U80, 90 là thời gian người cao tuổi nghỉ hưu, an dưỡng. Nhưng thực tế có những người thầy, nhà nghiên cứu vẫn miệt mài với sự nghiệp đèn sách, viết lách. Họ cống hiến sức mình vì niềm đam mê, yêu nghề và trên hết là muốn được phục vụ xã hội, phục vụ đất nước khi còn có thể.
“U80”, còn sức còn phục vụ
Đó là tâm tình của PGS.TS Trần Tuấn Lộ đang ở tuổi 85 và NGƯT Lê Minh Nga, 79 tuổi. Được biết từ trước giải phóng, sau nhiều năm làm công tác giáo dục ở Thái Bình, Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam (sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh ở Liên Xô về), đến khi hòa bình trở lại, thầy được điều vào Nam trở thành Viện phó Viện Khoa học giáo dục phía Nam. Sau đó thầy làm việc tại Ban Khoa giáo Thành ủy rồi về hưu. Từ khi về hưu, thầy Lộ làm Trưởng khoa Tâm lý giáo dục của Trường ĐH Văn Hiến. Nay đã lớn tuổi, nên thầy phụ trách Trưởng bộ môn tâm lý giáo dục học của trường. Ở tuổi 85, thầy vẫn say mê viết sách và viết giáo trình cho trường. Cũng như chồng mình, NGƯT Lê Minh Nga sau khi hoàn tất công tác giảng dạy và quản lý giáo dục trong gần 40 năm, chỉ 4 tháng sau khi nghỉ hưu, cô đã nhiệt tâm công tác tại Trung tâm Tư vấn tâm lý giáo dục tình yêu hôn nhân gia đình và trở thành Giám đốc từ năm 1997 cho đến nay. Ngoài việc quán xuyến trung tâm, cô vẫn dành thời gian tư vấn cho một số đài Vĩnh Long, Đà Nẵng và nhiều đài khác trong nước.
95 tuổi vẫn nghiên cứu và viết sách
Có lẽ ở tuổi này, hiếm có người nào còn tham gia nghiên cứu, viết lách. Vậy mà, giáo sư – nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu dù việc đi lại đã trở nên khó khăn nhưng thầy vẫn miệt mài nghiên cứu và viết sách. Vì biết mình không còn khỏe như trước, nên cứ làm việc khoảng 1 tiếng thầy lại phải nghỉ ngơi. Tuy vậy nhẩm tính tổng thời gian làm việc trong ngày có nhiều khi thầy vẫn làm việc đủ 8 tiếng, ngang bằng với sức làm việc hành chính của một nhân viên.
Nói đến nhà nghiên cứu này, nhiều người không khỏi ngạc nhiên và thán phục khi biết thầy đang là chủ sở hữu của bộ sưu tập hơn 3.000 tấm bản đồ cổ, hơn 500 hiện vật đồ gốm cổ (từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XX) và hàng ngàn cuốn sách cổ về Việt Nam được viết bằng tiếng Việt, tiếng Hán, Pháp, Anh, Tây Ban Nha… Kho tàng tư liệu này được thầy sưu tầm trong hơn nửa cuộc đời để phục vụ cho niềm say mê nghiên cứu. Từ đó, thầy đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu giá trị.
Một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu là cụm công trình Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn thuộc Nam kỳ lục tỉnh. Công trình này đã được Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu trao giải thưởng vào tháng 9-2005 (lúc đó mới hoàn thành được 8 quyển). Đây là những tài liệu quý mô tả ruộng đất Việt Nam cách đây đã hơn 200 năm, ghi lại diện tích từng làng, vị trí, cách sử dụng, chủ sở hữu của toàn bộ đất đai các làng xã Việt Nam, từ cực Bắc Tổ quốc cho đến mũi Cà Mau. 3 năm sau, thầy tiếp tục được trao giải thưởng Phan Chu Trinh về nghiên cứu lịch sử vào năm 2008. Nhà nghiên cứu cho biết, riêng cụm công trình Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn, tính đến nay thầy đã hoàn thành tổng cộng được 17 cuốn, viết về các địa phương từ Hà Tiên đến Huế. Dự tính trong thời gian tới một số cuốn nữa cũng sẽ được xuất bản vì bản thảo này chưa kịp hoàn thành. Việc làm thầy ưu tiên lúc này là tranh thủ hoàn tất bản thảo để kịp cho ra đời cuốn Tạp ghi Việt sử địa, 350 trang (do NXB Trẻ xuất bản, dự tính vào khoảng tháng 11 năm nay) và cuốn Hồ sơ Trương Vĩnh Ký do Công ty Nhã Nam xuất bản vào tháng 12 này.
Sau khi đất nước được giải phóng, thầy đã tập trung nghiên cứu sâu về điền thổ, địa bạ thời Nguyễn; về văn hóa, lịch sử, con người đất Việt. Đặc biệt, sau 60 nghiên cứu và sưu tầm ở trong và ngoài nước, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu là người đang sở hữu kho bản đồ cổ lớn nhất, là những minh chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng vì tâm huyết với công trình nghiên cứu này, nên thầy đã hoàn thành tập sách Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa, do NXB ĐH Quốc gia ấn hành, chính thức ra mắt vào tháng 6 năm ngoái. Tác phẩm được thể hiện phong phú bởi các bản đồ, họa đồ được hình thành vào các thời kỳ trải dài theo lịch sử dân tộc và các ghi chép sử ký, cùng các văn bản có tính chất công vụ Nhà nước thể hiện chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Bài, ảnh: Vân Bích
Theo tài liệu ghi chép lại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tham gia cách mạng với chức vụ là Bí thư Bộ Kinh tế vào năm 1945, với nhiệm vụ chuyển gạo từ Nam ra Bắc để cứu đói và thầy đã có công lập ra phái đoàn đại diện cho chính quyền Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền đến Trại David hòa đàm ngừng bắn vào ngày 29-4-1975, giúp giảm bớt đổ máu trong ngày cuối cùng của chiến tranh. |
Bình luận (0)