Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật 3-12: Những vòng tay rộng mở…

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ khuyết tật luôn mang nỗi buồn thân phận vì không chỉ khó khăn trong cuộc sống mà còn chịu nhiều thiệt thòi về cả tinh thần. Tuy nhiên, điều may mắn đã đến với các em khi giữa cuộc đời vẫn có những vòng tay rộng mở của những tấm lòng nhân ái cưu mang để các em thêm vững bước. 

Hà Quốc Thụy (đứng) đang dạy đàn guitar cho các học viên 

Vừa là thầy cô vừa là người nuôi dưỡng

Bây giờ đã trở thành một thầy giáo dạy nhạc với các nhóm học đàn piano, guitar, organ nhưng Hà Quốc Thụy vẫn không quên những ngày được học tập tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Anh thật sự xúc động khi nhắc đến công ơn những người đã từng nuôi dạy trẻ khiếm thị bằng cả tình thương bao la: “Lúc vào trường, mặc dù lúc đó tôi đã gần 20 tuổi nhưng vẫn được các cô chăm sóc và thương yêu như đứa trẻ nhỏ. Ngoài những bài học về kỹ năng đi đường, làm việc các cô còn dạy chúng tôi vệ sinh cá nhân, giặt giũ, cách ăn uống để tự phục vụ mình. Mọi đứa trẻ khiếm thị ở đây được ăn no, ngủ ngon là nhờ bàn tay nấu nướng, chăm sóc của các chị các cô trong trường”. Dù không nhìn thấy mặt nhưng đến nay Thụy vẫn nhớ rõ giọng nói của cô Huệ, cô Vượng, thầy Tâm còn thân thuộc hơn giọng nói người trong gia đình. Những bài học chữ nổi nay đã qua đi nhưng vẫn còn đó công lao của thầy cô dạy văn hóa đánh dấu từng bước trưởng thành của những đứa trẻ khuyết tật. Ngồi kể lại bao nhiêu câu chuyện về ngôi trường mình đã trưởng thành và khôn lớn từ đó, Hà Quốc Thụy chỉ biết đúc kết một câu: “Công ơn của các thầy cô trường Nguyễn Đình Chiểu cũng như công lao của mẹ cha mình không thể nào nhắc hết được”.

Sau khi cho Nguyễn Hoàng Linh tham gia vào lớp học vẽ tại Khoa Y học cổ truyền – Vật lý trị liệu của BV An Bình, Q.5, ông Nguyễn Hoàng Lâm thật sự vui mừng khi thấy đứa con trai đã có những tiến bộ trong giao tiếp ngôn ngữ. Ngày đầu nhìn con ngồi trước giá vẽ ông không thể tin được vì cậu con trai 23 tuổi nhiều năm nay chứng rối loạn ngôn ngữ có vẻ trầm trọng hơn. Thế nhưng nhờ sự kiên trì của các bạn SV Khoa Mỹ thuật Trường ĐH Sài Gòn là các tình nguyện viên nên những nét cọ của em bắt đầu mềm mại dần. Một bông hoa dù còn nguệch ngoạc nhưng đó là ý chí của một con người khuyết tật phải đánh đổi lấy bằng mồ hôi của mình. Cùng với Hoàng Linh nhiều bệnh nhân khác cũng đã trở thành họa sĩ trong lớp học trên bước đường chữa bệnh cho chính bản thân mình. Ngoài niềm vui của cha mẹ và người thân, có một người còn hạnh phúc hơn nhiều khi nhìn ngắm các em hí hoáy cầm cọ trước những mảnh giấy trắng để có những bức vẽ sáng tạo – đó là thạc sĩ Lê Khánh Điền – Phó Trưởng khoa Y học cổ truyền – Vật lý trị liệu BV An Bình. Điều này không có gì lạ vì lớp học vẽ dành cho các bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ  do anh sáng lập ra cách đây 2 năm.

Nuôi dưỡng những tâm hồn không khuyết tật

Trước đó khi tiếp xúc với TS.BS Bùi Mạnh Côn – Giám đốc BV, chúng tôi được biết đây là mô hình chữa bệnh do thạc sĩ Lê Khánh Điền đề xuất với lãnh đạo thành lập sau khi anh học xong khóa 2 năm sau đại học về âm ngữ trị liệu và 2 tháng tu nghiệp tại University Sydney. Trong quá trình điều trị bệnh tật, nhìn những bệnh nhân đặc biệt là những người trẻ thật sự khó khăn trong giao tiếp do bị tai nạn hay bẩm sinh anh luôn trăn trở với những nỗi khổ và những thiệt thòi không đáng có của họ. Chính tình yêu thương trở nên động lực giúp anh vượt qua mọi định kiến và cả sự gièm pha ban đầu vì coi đây là ý tưởng điên rồ. Thế nhưng, tấm lòng nhân ái của người thầy thuốc trẻ giàu đức hy sinh đã được đền đáp thật xứng đáng. Dù trải qua bao khó khăn vất vả nhưng Lê Khánh Điền và các đồng nghiệp của Phòng Y học cổ truyền – Vật lý trị liệu của BV An Bình luôn ngập tràn hạnh phúc khi nghe được giọng nói và tiếng cười của từng người bệnh sau mỗi giờ học vẽ.

Mỗi lần lên sân khấu thể hiện ca khúc Em lắng nghe tiếng đời, ca sĩ khiếm thị Hà Chương đều xúc động nhớ đến NSND Tường Vy: “Tôi nhớ “mẹ” Tường Vy không chỉ là người sáng tác ca khúc này để tôi cất giọng hát mà còn nhớ công ơn của “mẹ” đã cho tôi thành người như hôm nay”. Bây giờ đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng nhưng Hà Chương vẫn không quên những ngày đầu khó khăn ra Hà Nội học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam: “Mặc dù đã thi đậu nhưng tôi vẫn lo là không đủ chi phí trong mấy năm nhưng chính lúc đó “mẹ” Tường Vy đã động viên nếu khó khăn thì hai mẹ con cùng đi hát để có tiền trang trải việc học”. Lời động viên ngày hôm đó đầy ân nghĩa đã sinh ra một ca sĩ – nhạc sĩ Hà Chương như ngày hôm nay bởi tình yêu thương vô bờ bến của người NSND 80 tuổi. Tình yêu thương đó còn lan tỏa rộng hơn khi bà bỏ ra nhiều công sức thành lập ra 3 trung tâm nghệ thuật tình thương để dạy nhạc, luyện ca cho các trẻ nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Tình thương của NSND Tường Vy trở thành nguồn suối trong mát nuôi dưỡng tâm hồn cho nhiều thế hệ trẻ khuyết tật hơn 20 năm qua để các em có niềm tin yêu cuộc sống.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)