Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhân Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10: Lặng thầm ươm mầm tài năng

Tạp Chí Giáo Dục

Người mẫu – diễn viên Tăng Huệ Văn và mẹ

Không phải ngẫu nhiên mà các người mẫu, ca sĩ, nghệ sĩ khi đoạt giải thưởng nào đó trong lĩnh vực nghệ thuật, câu đầu tiên đều gửi lời cảm ơn mẹ. Bởi lẽ, mẹ chính là thần tượng, là điểm tựa vững chắc nhất để họ cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Người mẫu – diễn viên Tăng Huệ Văn: “Mẹ đưa tôi vào nghệ thuật…”
Nếu không có mẹ, tôi đã không trở thành người mẫu – diễn viên như ngày hôm nay. Năm tôi học lớp 12, mẹ đưa tôi đến gặp một người bạn rất thân của mẹ (đó cũng chính là mẹ người mẫu Minh Thư) nhờ giới thiệu cho tôi tham gia nhóm thời trang Hoa Học Đường. Lần đầu tiên biểu diễn tại Nhà hát Lớn TP.HCM, tôi bỡ ngỡ và lúng túng nhiều lắm, cứ như con rối trên sân khấu. Nhưng nhìn vào hậu trường, nhìn thấy gương mặt mẹ còn căng thẳng, lo lắng nhiều hơn tôi. Tôi tự nhủ lòng phải cố gắng để không phụ lòng mẹ. Vậy là tôi đã thành công. Thời gian tham gia biểu diễn thời trang cho nhóm Hữu Dũng, cũng chính mẹ là người đã khuyến khích tôi thử sức với các cuộc thi người mẫu và sắc đẹp. Các danh hiệu mà tôi sở hữu như Á khôi Bình Dương 1997, Á khôi miền Đông Nam bộ 1998, Hoa hậu Noppamas tại Thái Lan 2000… đều thấm đẫm những giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ. Mẹ là người giúp tôi chọn trang phục phù hợp đồng thời cũng tác động nhiều đến tôi trong cách sống, cách nghĩ để không bị vướng “bệnh ngôi sao”. Khi đạo diễn Trương Dũng mời tôi đóng bộ phim đầu tay Dòng suối không cầu, đọc kịch bản, tôi lo sợ định trả vai. Thế là mẹ an ủi, động viên tôi hãy thử sức mình. Thời gian tôi đi đóng phim, mẹ đều theo bên cạnh chăm sóc, dỗ dành. Trong gia đình, mẹ là người quyết đoán, sự thành công của các anh em tôi đều nhờ vào bàn tay của mẹ. Bây giờ tôi cũng đã lên chức mẹ nên càng nghĩ, càng thấy thương mẹ nhiều hơn.
NSƯT Thành Lộc: “Vì chồng con, má tôi hy sinh sự nghiệp”
Khán giả yêu nghệ thuật hát bội chắc hẳn sẽ biết đến tên tuổi của má tôi, bởi bà là nghệ sĩ Huỳnh Mai nổi tiếng trên sân khấu hát bội Sài Gòn. Sau giải phóng, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên má tôi quyết định nghỉ hát để bươn chải nuôi sống cả nhà. Đối với tôi, đó là một sự hy sinh rất lớn lao. Tất cả mọi thành viên trong gia đình tôi đều dặn lòng phải cố gắng thành đạt trong sự nghiệp để đền đáp lại sự hy sinh đó. Gia đình tôi trước kia đông người. Vì toàn nghệ sĩ nên giờ giấc sinh hoạt khá thất thường, nhưng tất cả đều tuân theo một quy tắc của má là giờ cơm chiều thì không ai được vắng mặt. Cả nhà ngồi quây quần bên nhau ăn cơm, từng người kể công việc trong ngày cho má nghe, không khí rất vui và đầm ấm. Là con út, hiện tại tôi sống với má và cũng được má cưng chiều nhất. Mỗi khi tôi ra đường, má đều nhắc nhở: “Nhớ đội mũ bảo hiểm, phải nhìn kỹ đèn xanh đèn đỏ, đừng ăn thịt, trứng không an toàn… nghen con!”. Cứ sau mỗi đợt tập tuồng mới là tôi lại lăn ra bệnh, thế là má “đè” tôi ra cạo gió, nấu nước xông. Má luôn chăm sóc tôi như khi tôi còn nhỏ. Có lần tôi phải giả bộ mếu máo: “Má ơi, con gần 50 tuổi rồi, con tự làm được mà” làm má phải phì cười. Điều đặc biệt là chưa bao giờ má tôi nhận xét về những vai diễn của tôi. Nghe dư luận khen lắm má mới đòi đi xem, nhưng về nhà phần lớn lại khen… những đồng nghiệp của tôi. Hiện tại, tôi vẫn là “lính phòng không”, má cũng hối thúc tôi kiếm người nâng khăn sửa túi nhưng tôi còn mải mê lo cho sự nghiệp nên chưa cho phép mình bị ràng buộc. Người vợ tương lai của tôi sau này chỉ cần hiểu, thông cảm cho nghề nghiệp và quan trọng nhất là phải hiếu thảo với má tôi.
Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh: “Tôi là bản sao của mẹ”
Hồi nhỏ, bất kỳ ai gặp tôi cũng đều thốt lên “Con gái giống mẹ như khuôn đúc”. Tôi cũng công nhận mình không chỉ giống mẹ về ngoại hình mà còn thừa hưởng niềm đam mê nghệ thuật của mẹ. Một kỷ niệm tuổi thơ mà tôi không bao giờ quên. Đó là lần tôi thay mặt cả Trường Mầm non 20/10 tham dự cuộc thi đơn ca cùng một dàn hợp xướng. Mẹ cũng làm MC cho chương trình luôn. Đến khi tôi hát xong thì mẹ ra dẫn tiếp phần giao lưu: “Cháu hãy nói cho các cô chú biết cháu vừa hát bài gì đấy?”. Cả khán phòng im phăng phắc, tôi đang xinh tươi bỗng dưng òa khóc ngon lành: “Mẹ ơi, sao tự nhiên mẹ gọi con là… cháu”. Liền sau đó là những tiếng cười không ngớt. Dù lần ấy đoạt giải A1 nhưng nhớ lại tôi luôn thấy ngượng ngùng. Mẹ của tôi khá trầm tính và luôn biết nhẫn nhịn, dù có chuyện gì xảy ra hoặc khi tôi làm sai điều gì mẹ cũng không hề lớn tiếng, mà thay vào đó mẹ sẽ điềm tĩnh ngồi xuống nói chuyện, trao đổi để cho tôi hiểu ra vấn đề. Cũng chính vì vậy mà tôi học được tính nhẫn nhịn và thông cảm ở mẹ đấy. Buồn nhất trong đời có lẽ là ngày tôi chia tay mẹ để vào TP.HCM lập nghiệp. Cả hai mẹ con đều ôm nhau khóc. Bây giờ, mẹ Bắc – con Nam nhưng chưa bao giờ tình cảm của hai mẹ con bị ảnh hưởng bởi khoảng cách của không gian, thời gian. Ngược lại, điều đó còn khiến cho mối quan hệ giữa hai mẹ con thêm phần thắm thiết hơn. Trên cổ của tôi lúc nào cũng đeo “sợi dây chuyền bình an” của mẹ tặng. Nó mang lại cho tôi một cảm giác an toàn và an tâm khi làm bất cứ điều gì.
M.Tuyền – H.Thanh

Bình luận (0)