Khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí 2016 nêu một trong số các nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến”. Việc “phát hiện”, “nêu gương” thực sự không chỉ cho tổ chức, cá nhân, địa phương được nêu mà còn cho xã hội và cho chính cơ quan báo chí.
Theo tác giả, việc phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục trước hết là trách nhiệm của ngành giáo dục và lực lượng báo chí (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Bởi nhân rộng điển hình tiên tiến đối với báo chí là một nhu cầu, vì điều này đem lại cho báo chí nói chung và cơ quan báo chí đăng tải nói riêng nhiều lợi ích thiết thực. Trên hết, điều đó góp phần tạo nên giá trị của báo chí trong việc xây dựng xã hội, xây dựng con người mới, đặc biệt đối với ngành giáo dục. Các giải báo chí quốc gia hay TP.HCM đều có nội dung “khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới”. Trong hoạt động giáo dục, thực có rất nhiều mô hình, điển hình tiên tiến để giới thiệu, lan tỏa. Việc làm này không chỉ giúp các cơ quan báo chí có những tác phẩm báo chí hay về ngành giáo dục nói chung, về giải pháp hay các gương điển hình tập thể và cá nhân của ngành nói riêng mà còn góp phần xây dựng hình ảnh tích cực về hoạt động giáo dục.
Nhiều năm trước, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chỉ thị 6186/CT-BGDĐT ngày 29-12-2016 về việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục. Chỉ thị nhấn mạnh: “Nhiều gương điển hình tiên tiến, sáng tạo, tài năng được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng các phần thưởng cao quý, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành”. Ngoài ra, chỉ thị cũng nêu rõ, để thực hiện hiệu quả công tác này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục, các đơn vị tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong toàn ngành. Căn cứ danh mục các tiêu chí thi đua của Bộ GD-ĐT, xây dựng danh mục cụ thể các tiêu chí thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học của cơ quan, đơn vị… Đẩy mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến (là các nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, tích cực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học…). Chỉ thị yêu cầu, cơ quan quản lý giáo dục các cấp phải là nơi kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên có môi trường thuận lợi phát huy tối đa phẩm chất và năng lực cá nhân; khuyến khích được nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện tham gia thi đua đổi mới, sáng tạo, phấn đấu trở thành điển hình tiên tiến… Qua các dịp sơ kết, tổng kết, các cơ quan đơn vị lựa chọn các tập thể, cá nhân có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; tổ chức thẩm định minh chứng, sản phẩm; biểu dương, khen thưởng kịp thời; lựa chọn các điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc nhất, kèm minh chứng, sản phẩm đổi mới, sáng tạo gửi về Bộ GD-ĐT để xét, khen thưởng, khen thưởng. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học bằng nhiều hình thức, hiệu quả, thiết thực… Tức là, bản thân ngành giáo dục phải thực sự chủ động phát động các phong trào thi đua, phát hiện và giới thiệu các điển hình, mô hình tiêu biểu để lan tỏa trong ngành (thông qua các hình thức biểu dương, qua các hội nghị, qua chia sẻ kinh nghiệm…), qua các cơ quan báo chí của ngành và đó cũng là nguồn để các cơ quan báo chí giới thiệu, tuyên truyền trên các ấn phẩm của mình. Trên thực tế, các điển hình trong ngành giáo dục luôn rất nhiều về số lượng, đa dạng về hình thức, phong phú về hoạt động… Đó là nguồn chất liệu rất quan trọng để báo chí khai thác thành nhiều thể loại, nhiều sản phẩm. Chẳng hạn, gần như địa phương nào cũng có những tấm gương nhà giáo tận tụy, bám trường bám lớp, có nhiều sáng kiến thiết thực, không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong giảng dạy, có nhiều đổi mới trong công tác giảng dạy, sinh hoạt ngoại khóa hay giáo dục đạo đức cho học sinh… Hay có không ít cơ sở giáo dục xây dựng khối đoàn kết, thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức Đảng, không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, có giải pháp bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích cho học sinh bên cạnh các hoạt động chính khóa, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thực hiện tốt các phong trào văn – thể – mỹ và giáo dục toàn diện học sinh cả về văn – đức – trí – dục…
Tại TP.HCM, nhiều năm qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp Báo SGGP tổ chức Giải thưởng Võ Trường Toản nhằm tôn vinh các cán bộ quản lý, giáo viên có nhiều đóng góp trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, được đồng nghiệp tín nhiệm, phụ huynh và học sinh tin yêu. Năm 2022, qua lần thứ tổ chức 25, giải thưởng đã tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, tri ân các thầy, cô giáo nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/ 20-11-2022) và tiếp tục khẳng định uy tín, giá trị của mình cũng như có ý nghĩa khích lệ các nhà giáo, các cơ sở giáo dục của thành phố không ngừng đổi mới, sáng tạo, cống hiến… Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí thành phố đều có trang/mục “giáo dục” hoặc nội dung về giáo dục nằm ở trang/mục “khoa giáo”. Đây là nơi giới thiệu thường xuyên các mô hình, điển hình tiên tiến của ngành giáo dục bên cạnh các thông tin khác. Chính các mô hình, điển hình này thường được các cán bộ, viên chức, viên chức ngành giáo dục đón đọc để học tập kinh nghiệm, chia sẻ và phát huy những cách làm hay. Đồng thời, các trang/mục này cũng góp phần động viên, khích lệ sự nỗ lực, phấn đấu của học sinh, sinh viên và cán bộ toàn ngành, cũng như thúc đẩy toàn xã hội quan tâm hơn, chăm lo nhiều hơn đến hoạt động giáo dục.
Cũng tại TP.HCM, tờ Tạp chí Giáo dục thành phố phát hành định kỳ hằng tuần không chỉ là diễn đàn của toàn ngành mà còn là nơi giới thiệu, lan tỏa nhiều mô hình, điển hình, giải pháp tích cực của ngành giáo dục và về hoạt động giáo dục. Từ Báo Giáo dục, khi chuyển sang Tạp chí Giáo dục, đây vẫn là cơ quan báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quảng bá rộng rãi các tấm gương của ngành giáo dục thành phố. Để động viên, góp phần tích cực vào việc phát hiện, giới thiệu và lan tỏa các điển hình tiên tiến về giáo dục trên báo chí, Hội Nhà báo TP.HCM nên quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và xem đây một trong các nội dung trọng tâm của Giải Báo chí thành phố, dù hằng năm có chủ đề khác nhau. Bên cạnh đó, trong các chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí, nội dung về lan tỏa thông tin tích cực đối với ngành giáo dục cần được quan tâm, khích lệ để các cơ quan báo chí có thêm nhiều tác phẩm về các điển hình tiên tiến, các gương người tốt việc tốt… trong ngành, đồng thời có những chỉ đạo kịp thời để toàn hệ thống chính trị thực hiện việc lan tỏa thông qua trang thông tin điện tử, bản tin, mạng xã hội của cơ sở.
Tóm lại, việc phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục trước hết là trách nhiệm của ngành giáo dục và lực lượng báo chí. Ở góc độ truyền thông, bản thân từng cơ quan báo chí, từng người làm báo cần tiếp tục phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc giới thiệu nhiều hơn nữa các mô hình, điển hình tiên tiến của ngành và có giải pháp lan tỏa rộng rãi cả bằng các công cụ của cơ quan báo chí lẫn phương tiện của từng người làm báo.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)