Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhân rộng những nghĩa cử cao quý trong xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, truyền thông đưa tin rất nhiều về nghĩa cử cao quý của những công dân nhặt được của rơi trả người bị mất. Khi thì cô công nhân, chị lao công, bác xe ôm, lúc là em học sinh. Họ đến từ nhiều địa phương khác nhau trên khắp nước Việt Nam, từ thành thị cho đến thôn quê, nhưng đều có chung một lối sống đẹp. Những món tiền mà họ nhặt được không hề nhỏ chút nào: từ vài chục triệu cho đến vài trăm triệu đồng. Nhưng họ không tham của rơi, có tấm lòng nhân ái, đã đem tài sản nhặt được đến cơ quan chức năng trình báo để trả lại cho chủ nhân không may mắn làm mất.

Mới đây, trưa 14-5-2019, anh Nguyễn Ngọc Hiền – nhân viên vệ sinh một chung cư ở TP.HCM – nhặt được số tiền 7.400 USD tại nơi mình làm và đã vội trình báo với ban quản lý chung cư, trả lại cho người bị mất có quốc tịch Ukraine. Sau khi báo chí đưa tin, nhiều cá nhân, tổ chức đã tìm đến chung cư, nơi ở để tặng quà, tiền mặt cho anh Hiền nhưng anh từ chối không nhận. Anh chia sẻ với truyền thông: “Cho tôi xin phép không nhận tiền và trả lại tiền ủng hộ mình. Tôi xin nhận bằng khen chứ tôi không muốn nhận tiền. Vì trách nhiệm tôi làm thì tôi nhận lương còn tiền hỗ trợ thì tôi không lấy. Tôi muốn làm ra tiền bằng chính đôi tay của mình chứ không muốn nhận số tiền này”. Quả là một người có tấm lòng cao đẹp. Dù là một nhân viên vệ sinh, đồng lương ít ỏi, nhưng anh Hiền đã không tham lam số tiền to lớn ấy.

Trong cuộc sống, vì lòng tham mà không ít người “phấn đấu” cho bằng được để có thật nhiều tiền, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Thậm chí có người còn bất chấp tất cả, làm những chuyện bất chính, vi phạm pháp luật, kể cả tham lam những cái không thuộc về mình. Bên cạnh đó, xã hội cũng còn rất nhiều công dân đạo đức, biết sống vì mọi người. Như câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Hiền, nó không đơn thuần là quan hệ giữa người với người trong xã hội, mà còn là giữa một quốc gia này với quốc gia khác, giữa một đất nước với cả thế giới. Nhìn xa hơn hành động nhỏ này, Việt Nam sẽ được bạn bè quốc tế biết đến là đất nước hiếu khách, chân thành, thật thà. Cơ hội vàng về giao thương và du lịch sẽ được nâng tầm ảnh hưởng. Tất nhiên, câu chuyện Việt Nam hiếu khách không phải là mới, nhưng qua việc này, mức độ tích cực ấy sẽ được tăng lên gấp bội.

Cũng đáng buồn thay, trên mạng xã hội Facebook, không ít người bảo rằng những người nhặt được của rơi mang đi trả là dại dột, bởi đó không phải là tiền trộm cướp. Đây là suy nghĩ thiển cận, tiêu cực và có thể sẽ vi phạm pháp luật nếu chính bản thân mình nhặt được tài sản của người khác nhưng giữ làm của riêng. Bởi theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, thì bị quy vào tội chiếm giữ trái phép tài sản, sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ. Vì vậy, việc tự giác đem trả tài sản cho người bị mất chẳng những chứng tỏ bản thân là công dân đạo đức, còn thể hiện mình là người sống và làm việc theo pháp luật. Hơn hết, xét ở góc độ tình người, làm sao người nhặt tiền có thể chịu được sự giày vò lương tâm khi mà người khác mất đi một khoản tiền lớn. Đó có thể là tiền mượn, tiền giữ giùm ai đó, tiền sử dụng vào những vấn để cấp bách nhưng cuối cùng mất trắng…

Báo chí đã làm tốt công tác đưa tin đến công chúng những vấn đề thiết thực, nhân văn trong xã hội. Hy vọng, báo chí sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa để tuyên truyền, lan tỏa yêu thương đến mọi người, mọi nhà.

Nguyn Tn Quc

 

Bình luận (0)