Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhân rộng vùng an toàn bệnh dại

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ bị tổn thương ngoài da, bệnh dại còn có thể gây ra cái chết tức tưởi cho người khi bị động vật bệnh dại cắn. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, TP.HCM là địa phương đã nỗ lực xây dựng vùng an toàn bệnh dại tại nhiều quận huyện.

Nguy cơ bệnh dại từ chó thả rông (ảnh chụp trên đường Nguyễn Văn Dung, P.6, Q.Gò Vấp)

Ngày 10-10, Phòng Tổng hợp – Chi cục Thú y TP.HCM báo cáo, Cục Thú y Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận TP.HCM có 4 quận (1, 3, 4, 5) xây dựng xong mô hình an toàn bệnh dại và 8 quận (2, 6, 8, 7, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận) đang xây dựng mô hình này từ nay cho đến năm 2017.

Cái chết từ bệnh dại được báo trước

Bà Diệu ngụ ở chợ Xóm Chiếu, P.15, Q.4 cho hay: “Ra đường tôi sợ nhất là gặp những con chó đi lang thang không có chủ dắt kèm vì nếu mình không để ý thì coi chừng bị nó cắn trộm”. Cũng theo lời kể của người phụ nữ trên 60 tuổi này, trong một lần đi ngang nhà hàng xóm, bà bị con chó vồ lấy cắn rách một miếng da dưới chân trái. Từ đó bà mang theo nỗi khiếp sợ chó cắn mỗi khi ra đường nên thấy chú khuyển nào bà đều phải tránh ra xa hoặc đi vòng đường khác. Anh Thành ngụ ở P.Linh Đông, Q.Thủ Đức vẫn lo lắng mỗi khi vào những nơi công sở có nuôi chó bảo vệ cơ quan. Theo lời kể của người đàn ông quê ở Quảng Bình, trong một lần vào Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức để nộp hồ sơ xin học cho con đã bị con cẩu vàng của ông bảo vệ nuôi bất ngờ cắn, máu chảy dầm dề.

Ai cũng biết rằng, bệnh dại là do các con vật có máu nóng như chồn, cáo, trâu, bò, chó, mèo, dơi truyền virus dại sang cho con người qua các vết cấu, cào, cắn. Trong các loài động vật, chó mèo là thủ phạm đầu tiên có xác suất truyền bệnh dại nhiều nhất cho con người với tỷ lệ trên 90%. Thế nhưng, có một nghịch lý trong thực tế ai cũng thấy chó mèo luôn là vật nuôi phổ biến và gần gũi nhất của con người. Ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y báo cáo, chỉ riêng TP.HCM hiện tổng đàn chó có 230.000 con với 128.000 hộ nuôi. Như vậy tính theo bình quân mỗi hộ đã nuôi gần 2 con chó. Điều đáng lo ngại hơn trong số nhiều đó ngoài những hộ nuôi nhốt hoặc nuôi trong nhà còn có vô vàn chú khuyển được thả rông nhất là tại vùng nông thôn ngoại thành. Đây là môi trường thuận lợi để cho con vật dễ lây nhiễm virus dại từ đồng loại nên rất khó khống chế và thu hẹp dịch bệnh. Bên cạnh đó, chó thả rông cũng là miếng mồi ngon cho bọn cẩu tặc trong đó có cả chó đã mắc bệnh dại mà bọn đạo chích không hay biết.

Mở rộng bản đồ vùng an toàn bệnh dại

Theo Quyết định số: 66/2008/QĐ-BNN ngày 26-5-2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng an toàn dịch bệnh là vùng lãnh thổ (một huyện hay nhiều huyện; một tỉnh hay nhiều tỉnh) được xác định, ở đó không xảy ra ca bệnh nào trong thời gian quy định cho từng bệnh hoặc nhiều bệnh và các hoạt động về thú y phải đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y giết mổ. Kiểm soát được nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật trong vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch bệnh.

PGS.TS Đinh Kim Xuyến – Phó chủ nhiệm Chương trình phòng chống bệnh dại cho biết, khi bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng cần phải coi đó là trường hợp cấp cứu. Trước hết phải xử lý tại chỗ vết thương, sau đó phải đến các điểm tiêm phòng dại để có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp. Khi bị súc vật dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng phải rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn i-ốt đậm đặc nhằm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập. Theo PGS.TS Xuyến, biện pháp tích cực nhất là hạn chế nuôi chó. Nếu có nuôi thì phải xích, nhốt, rọ mõm con vật lại và phải tiêm vaccine phòng dại đầy đủ theo hướng dẫn của thú y. Tại nơi xuất hiện chó dại phải diệt hết chó dại, nghi dại. Nghiêm cấm bán chó tại nơi đang có dịch sang vùng khác để tránh lây lan dịch bệnh. Những đối tượng có nguy cơ nhiễm virus dại cao như: cán bộ thú y; người trực tiếp giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm từ chó, mèo phải tiêm vaccine phòng bệnh dại  gây miễn dịch chủ động trước khi bị nhiễm. Ngoài ra, thường xuyên tập huấn và tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dại trong cộng đồng.

Khó khăn hiện nay là tại các vùng ngoại thành, tình trạng nuôi chó thả rông theo tập tục địa phương vẫn chưa bỏ được người dân còn chủ quan với bệnh dại do chưa thấy được sự nguy hiểm. Các đường dây buôn bán chó lậu, trộm cắp, các cơ sở giết mổ không giấy phép cũng là những rào cản vô hình gây khó khăn trong việc quản lý vật nuôi và ngăn chặn chủ động dịch bệnh. Trong hoàn cảnh bệnh dại chưa được khống chế chặt chẽ ở các địa phương khác thì những thành công của TP.HCM trong việc xây dựng mô hình an toàn bệnh dại trong xã phường, quận huyện rất đáng được ghi nhận và nhân điển hình. Chắc chắn bản đồ vùng an toàn bệnh dại sẽ được mở rộng trong 24 quận huyện trong một thời gian không xa.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)