Điều đáng tệ hơn là lâu dần, những hình ảnh ấy trở nên nhàm chán, quen thuộc đến mức nếu như trước đây, người ta từng xôn xao với những bức hình chụp một ca sĩ trong nhà tắm bao nhiêu thì nay không ai (hoặc rất ít người) còn cảm xúc để mà xôn xao nữa, dù rằng mới đây, tin đồn nhao nhao về một đoạn video clip quay cảnh nóng của một sao truyền hình được tung lên mạng.
Dù dân gian có tin 100% đó là sao A, sao X thì cũng chẳng thấy ai rỗi hơi bàn luận. Phải chăng, giờ đây, những hình ảnh nóng đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, hay vì nó nhiều quá, nhiều đến mức người ta không còn ngồi mà đếm được nữa và… thấy nhàm!
Một phần tất yếu?
Ngoại trừ những cô gái mại dâm, buộc phải đưa thân thể mình ra như một món hàng để quảng cáo, để câu khách thì giờ đây, nếu chịu khó lang thang trên mạng, bạn sẽ bắt gặp cả “con gái nhà lành” hẳn hoi, có học thức đàng hoàng cũng muốn cho cả thế giới này biết mình da trắng, tóc dài và trên người có bao nhiêu cái nốt ruồi ra sao.
Khi viết bài này, tôi tự hỏi, hay là nó không thuộc phạm trù đạo đức – cái việc mấy cô gái rủ nhau vào một studio nghiệp dư hoặc chuyên nghiệp nào đó chỉ với mục đích duy nhất là lưu giữ thời thanh xuân của mình, sau khi đã ghé tai anh phó nháy thỏ thẻ: “Nhất định phải giữ bí mật cho bọn em đấy”.
Bí mật một khi đã có kẻ thứ hai biết thì không bao giờ còn là bí mật nữa. Vì thế, khi các cô vừa quay đi khỏi studio được dăm bước chân thì chàng phó nháy cũng như rất nhiều trang nam nhi khác, đã vội vàng dự tính lên kế hoạch phải kể cho thiên hạ biết, mình đã “đếm được trên người các cô bé ấy bao nhiêu cái nốt ruồi”.
Và những bức ảnh được coi là rất bí mật mà chỉ mới ngày hôm qua thôi, các cô còn được anh phó nháy hứa như đinh đóng cột, chỉ sau vài cái nhấp chuột đã vội vã chui vào một trang web mà tính chất cư dân ở đây là luôn đợi chờ những bức hình mới, như một trò chơi thú vị và họ thi nhau comment đưa ra những lời bình phẩm mà tôi không thể mạo muội kể ở đây.
Thực tình, các cô rất đẹp, thế nhưng nhan sắc ấy lại được quá nhiều người biết đến, thành ra nhan sắc trở nên vô duyên. Mới đây, một tiết mục Aerobic do các nữ sinh Trường THPT PDP ở Hà Nội biểu diễn trong một cuộc thi văn nghệ mà tôi cho là cũng vô duyên như thế. Số là, váy các em ngắn quá, đến khi có động tác phải lộn người, tức thì “nhan sắc lại hớ hênh”.
Xem cảnh ấy, vừa thương vừa ái ngại. Các em còn nhỏ qúa, không ý thức được sự việc nó lại tai hại đến nhường nào. Các em không đủ ý thức để cảnh giác với những chiếc máy điện thoại di động tân tiến và vì thế, vô hình trung, nhan sắc của các em một lần nữa lại bị đưa ra làm trò cười.
Thực ra, nếu chỉ đơn thuần là hình ảnh thì người ta có thể coi đó là một tai nạn nho nhỏ, nhưng đằng này, phụ họa cho những hình ảnh ấy lại là những lời bình tục tĩu nghe phát sợ của các nam sinh cùng trường. Nghĩa là với những cậu bé này, các cô bé tham gia tiết mục Aerobic kể trên không đáng được thông cảm, nếu không muốn dùng từ nặng hơn.
Cuối năm ngoái, một video clip quay cảnh một nam sinh và một nữ sinh biểu diễn tiết mục văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam với thời lượng chưa đầy 10 phút, đã làm người xem choáng váng. Bởi các động tác uốn éo, lắc ngực, giật hông ấy chỉ thấy trong các hộp đêm, khi mà những người vào đây cần một không khí khác lạ, với một cảm xúc mới hơn, thậm chí theo chiều hướng tiêu cực.
Còn ở đây, các em mới chỉ là những cậu bé, cô bé tuổi teen, nhưng thạo các động tác múa cột vốn chỉ dành cho gái nhảy đến hoàn hảo. Những người đầu tiên bất bình chính là các thầy cô giáo ngồi bên dưới xem, họ đã bỏ ra ngoài chỉ sau khi màn biểu diễn diễn ra chưa đầy phút. Cảm giác của họ là gì?
Tôi không đoán được, nhưng có lẽ là giống nhau. Một sự xót xa, tủi hổ và cả ngượng ngùng. Chắc chắn còn sốc nữa. Hoặc là họ đã quá tuổi để chấp nhận những trò mới của giới trẻ, hoặc là họ thấy mình cần phải tỏ thái độ để các em biết được màn biểu diễn hớ hênh ấy là không phù hợp giữa chốn học đường này. Có thể, cả hai trường hợp đều đúng.
Xu hướng “khoe khoang” giờ đây đã trở thành mốt của một bộ phận tuổi teen. Càng đẹp càng thích khoe, khoe một cách lộ liễu, cố tình. Ngực cau nhu nhú, đã vội vòi tiền mẹ mua bằng được những chiếc áo cổ khoét thật sâu và nếu có thời cơ là lôi ra dùng thử.
Vào blog của các teen, avatar toàn ảnh cực độc, có teen nữ bạo phổi bạo gan, cầm điện thoại di động đứng trước gương chụp chính mình trong tình trạng vô cùng mát mẻ, tất nhiên, các teen cũng biết lối giấu cái đầu đi, nghĩa là chỉ chụp từ cổ trở xuống, nhưng nếu là bố, là mẹ, là người thân thì không khó để nhận ra đó là cô chiêu nhà mình.
Thực ra, nhan sắc chưa bao giờ có lỗi, nhan sắc chỉ trở thành vấn đề bởi những chủ nhân của nó ứng xử với nó thế nào thôi.
Nhiều quá nên nhàm?
Dư luận dường như miễn dịch với những thông tin về cảnh nóng, video clip sex- tôi nhận ra điều ấy khi mới đây được xem một đoạn băng ngắn ghi hình cảnh nóng của một đôi nam nữ. Cô gái bị cho là giống với nhân vật trong clip đã phủ nhận thông tin đó, nhưng cho dù có đúng là cô ấy đi nữa thì hình như, dư luận đã không còn thích xôn xao trước những thông tin mà trước đây được cho là động trời.
Vì cô ấy không quá nổi tiếng? Hay vì dư luận đã miễn dịch trước những con virus video clip kiểu này? Lại nhớ một thời, khi ảnh nóng đầu tiên của một ca sĩ bị tung lên mạng, người ta lôi những bức ảnh ấy vào cả trong bàn ăn, trên giường ngủ, bên những tách cà phê thời cuộc… Rồi cô gái thứ hai, cô gái thứ ba và đến cô gái thứ tư (dù có thật đi nữa) thì bây giờ người ta cho đó chỉ là chuyện tầm phào, chuyện vớ vẩn của mấy bà nội trợ…
Điều đáng sợ hơn cả là dư luận đã nghi ngờ, thậm chí khẳng định như đúng rồi: “Ôi dào, bây giờ tất cả đều thế hết”. Nói thế thì chẳng còn gì phải bàn cãi nữa rồi. Nhan sắc bây giờ bị coi thường đến thế sao? Tại các cô hay tại dư luận?
Tôi có dịp kiểm chứng cái sự “tại các cô” khi làm một tour du lịch lang thang qua các blog, từ blog đình đám của Cường OZ đến blog “hot” không kém của “Tắc kè”. Mới đây, một miss của cuộc thi sắc đẹp được tổ chức với quy mô nhỏ nhưng đối tượng quan tâm đến cuộc thi này lại vô cùng đông đảo và ở lứa tuổi dễ xúc động nhất là tuổi teen, đã khiến các fan đau hết cả tim khi người yêu cũ của cô lôi cả sổ khám bệnh của người đẹp này đưa lên mạng cho bàn dân thiên hạ biết, rằng “ngày xưa, người yêu em bị căn bệnh nhạy cảm này”.
Vì sao anh ta giữ cuốn sổ đó thì tôi không được biết, thế nhưng lại một lần nữa phải lên tiếng cảnh báo rằng, nhan sắc không được phép hớ hênh, xấu xí một tí mà trót hớ hênh thì không thành chuyện, nhưng được ông trời ban phát cho tí sắc rồi, xin các người đẹp đừng phung phí, đừng để sau này nhan sắc ấy bỗng nhiên trở thành món khai vị trong mỗi cuộc trà dư tửu hậu và nhất là đừng biến thành trò game được người ta chơi miễn phí trên mạng…
Theo Chi Sơn (Công An Nhân Dân)
Bình luận (0)