Vừa qua, khi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gặp mặt, chào mừng đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và các em học sinh xuất sắc kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được Bộ GD-ĐT vinh danh, có một vấn đề nổi lên mà các em đều chung tâm sự: hạn chế về tiếng Anh. Đây là điều mà đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng rất đáng tiếc, cần phải khắc phục ngay.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trao thưởng cho các bạn trẻ đoạt giải “Nhân tài đất Việt 2015” |
Học sinh giỏi… chưa giỏi tiếng Anh
Chia sẻ tại buổi gặp mặt với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, hầu hết các em đã tham dự kỳ thi Olympic quốc tế đều thừa nhận, điểm yếu hiện nay của các em là tiếng Anh chưa tốt, và các em chỉ thực sự nhận ra điều này khi tham gia các kỳ thi quốc tế. Ngôi sao sáng nhất của các đội tuyển học sinh Việt Nam năm 2015 là Nguyễn Thế Hoàn – cậu học trò nghèo đến từ quê lúa Thái Bình nhưng đã xuất sắc giành 2 huy chương vàng Toán quốc tế trong 2 năm liên tiếp (2014, 2015) – tâm sự, đến với đấu trường quốc tế mới hiểu sâu sắc sự hạn chế của việc yếu ngoại ngữ. “Nếu giao tiếp thành thạo bằng ngoại ngữ, chúng em sẽ có lợi thế hơn rất nhiều”, Hoàn cho biết. Từ điểm yếu về tiếng Anh của mình và các bạn, Hoàn mong muốn Bộ GD-ĐT, Nhà nước tạo điều kiện tốt hơn cho việc trau dồi ngoại ngữ của các em.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tiếc nuối khi biết chuyện các em học sinh giỏi trên đấu trường quốc tế nhưng khả năng tiếng Anh hạn chế. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đã là học sinh giỏi toán, lý, hóa thì việc học giỏi tiếng Anh không hề khó khăn: “Các em chưa tốt tiếng Anh chứng tỏ các trường chưa chú trọng bồi dưỡng tiếng Anh cho các em. Cần phấn đấu để các em khi đi thi quốc tế thì phải giao tiếp được bằng tiếng Anh, vì vậy Bộ GD-ĐT gấp rút chỉ đạo các trường chuyên phải tăng cường bồi dưỡng tiếng Anh cho các em”. “Tôi thấy tiếc vì học sinh giỏi của chúng ta tiếng Anh còn yếu. Tiếng Anh dùng để giao tiếp chỉ cần khoảng 2.500 từ. Có 3.000 từ là đọc báo giỏi. Còn có 5.000 từ là có thể đi phiên dịch. Chia ra mỗi ngày, chỉ cần học 2 – 3 từ, thì sau 3 năm học cấp ba, các em có thể nói chuyện bình thường”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu.
“Đi giày” để chạy nhanh!
Mới đây, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo nâng cao năng lực quản lý, triển khai thí điểm mô hình dạy toán và các môn khoa học khác bằng tiếng Anh trong các trường THPT chuyên, giai đoạn 2011-2015. Thầy Lê Minh Hà, Khoa Toán, Đại học Khoa học tự nhiên, cho rằng học sinh trường chuyên có trình độ năng lực tốt, ham học hỏi, nhưng trình độ tiếng Anh không đồng đều. Cách khắc phục hạn chế này là phải tăng cường mô hình dạy toán và các môn khoa học khác bằng tiếng Anh trong các trường THPT chuyên. “Việc giảng dạy bằng tiếng Anh các môn toán và khoa học rất khó, do đó cần kiên trì và lâu dài. Đề án ngoại ngữ quốc gia có đích là đến 2020, nhưng tôi lo lắng đề án kết thúc thì kết quả vẫn còn ngổn ngang, kể cả việc giảng dạy các môn bằng tiếng Anh”, thầy Hà cho biết.
Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Thành Văn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), học sinh chuyên ngữ đầu vào tiếng Anh khá giỏi. Tại Trường THPT chuyên ngoại ngữ, việc dạy toán bằng tiếng Anh triển khai từ năm học 2009-2010. Lúc đầu trường tổ chức dạy như giờ ngoại khóa với 90 học sinh đăng ký, trường mời Viện Toán và giáo viên Đại học Khoa học tự nhiên về dạy. Nhưng thực tế, có nhiều giáo viên dạy ở nước ngoài về cũng không đáp ứng được yêu cầu dạy toán bằng tiếng Anh của học sinh. “Do đó, các em bỏ dần. Sau đó, chúng tôi sử dụng giáo viên của trường thì đạt hiệu quả tốt hơn. Năm học 2013-2014 trường đã giảng dạy môn toán bằng tiếng Anh cho tất cả học sinh khối 10 và năm học 2014-2015 dạy cho cả khối 11, tất cả là 22 lớp”, thầy Văn cho biết.
Từ thực tế của trường mình, thầy Nguyễn Thành Văn cho rằng khó khăn nhất của việc dạy toán bằng tiếng Anh là đội ngũ giáo viên và kiến nghị: Để mặt bằng chung chất lượng của giáo viên được nâng lên, Bộ GD-ĐT phải có chương trình đào tạo bài bản cho đội ngũ giáo viên nòng cốt, thậm chí đào tạo ở nước ngoài, mỗi môn phải có ít nhất một giáo viên nòng cốt. Học sinh Việt Nam học ở các trung tâm tiếng Anh là học tiếng Anh giao tiếp, còn tiếng Anh trong khoa học là tiếng Anh hàn lâm. Do đó, để nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh chuyên Việt Nam, phải đầu tư đúng mức, thỏa đáng cho đội ngũ giáo viên, cùng với đó tăng cường tiếng Anh cơ bản trong nhà trường, xã hội.
Trường chuyên là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, một nhân tài không thể thiếu khả năng ngoại ngữ, tiếng Anh là công cụ bắt buộc. “Có ngoại ngữ và không có ngoại ngữ giống như đi giày và đi chân đất. Trí tuệ ta đã có, nhưng phải đi giày mới chạy nhanh được. Các bạn trẻ không được để tụt hậu ngoại ngữ, trước 20 tuổi phải thành thạo ngoại ngữ, không thì rất thiệt thòi. Vì vậy, ai chưa học phải cố gắng học ngày học đêm”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ các em. Với tinh thần đó, đồng chí đã đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có văn bản gửi các trường chuyên trong cả nước, coi bồi dưỡng tiếng Anh cho học sinh chuyên là nhiệm vụ bắt buộc, đặt mục tiêu khi học xong lớp 12, học sinh chuyên có đủ vốn ngoại ngữ để đi du học.
Theo thầy Lê Minh Hà, Bộ GD-ĐT và các trường nên có cổng thông tin để chia sẻ tài nguyên về việc dạy toán bằng tiếng Anh cho nhau. Khi trình độ tiếng Anh hạn chế thì việc sử dụng tín hiệu toán học được ưu tiên hàng đầu. Nhưng thực tế, phải hạn chế vấn đề này vì văn bản trở nên rất khó đọc. Có rất nhiều ký hiệu toán học mà chỉ Việt Nam mới có, do đó phải chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế, mà cách duy nhất để chuẩn hóa là phải nâng cao trình độ dạy và học bằng tiếng Anh. |
LÂM NGUYÊN/SGGP
Bình luận (0)