Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhân viên hỗ trợ GV cải thiện tiếng Việt cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước tuổi đến trường và hỗ trợ trẻ em trong học tập thông qua chương trình nhân viên hỗ trợ giáo viên (GV). Hỗ trợ cho các GV đứng lớp thực hiện chiến lược giáo dục đa dạng lấy HS làm trung tâm.

Đây là một trong những hoạt động của Dự án Giáo dục Tiểu học cho Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC). Theo ông Đặng Tự Ân, Trưởng ban điều phối, mục tiêu của chương trình là hỗ trợ GV cải thiện chất lượng dạy học cho tất cả trẻ em. Đồng thời, hỗ trợ trẻ em trong quá trình chuyển tiếp từ môi trường ở nhà sang trường tiểu học và tham gia vào việc học tập trong những năm đầu có hiệu quả. Giúp gia đình và cộng đồng hỗ trợ HS đi học và học tập tại trường.

Ông Ân nhấn mạnh sẽ hỗ trợ cho các GV: đứng lớp thực hiện các chiến lược giáo dục đa dạng lấy HS làm trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi trẻ em; đứng lớp trong việc dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ 2; đứng lớp dạy học trong các lớp ghép; đứng lớp bằng việc cung cấp thông tin và hỗ trợ cha mẹ HS hoặc những người nuôi dưỡng để giúp đỡ các HS đặc biệt khó khăn trong học tập được tham gia đầy đủ vào các hoạt động của nhà trường.

NVHTGV Lê Thị Lựu, dân tộc Thổ (điểm trường Cát Tiến, Trường tiểu học Yên Lễ 2, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và các HS

Hỗ trợ tiếng dân tộc  

Với mục đích là cải thiện cơ hội tiếp cận trường tiểu học và nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Dự án PEDC đã triển khai chương trình này. Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên hỗ trợ giáo viên là phải sống ở xã có điểm trường hoặc trường chính, có thể nói và viết tiếng Việt, có thể nói một trong những tiếng dân tộc thiểu số mà trẻ em nói chủ yếu tại điểm trường.

Năm 2006-2007, chương trình này đã tiến hành thí điểm tại 12 tỉnh là Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Gia Lai, Đắc Lắc, Trà Vinh, Bình Thuận, Cao Bằng, Lai Châu, Quang Nam và Kon Tum. Theo kế hoạch, năm 2008 sẽ mở rộng chương trình đến 40 tỉnh của Dự án.

Thanh Hóa cũng đã triển khai chương trình này xuống 4 huyện trong phạm vi hoạt động của Dự án là Mường Lát, Như Xuân, Thường Xuân và Ngọc Lặc. Theo ông Tào Thành Được, Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Lát, 72/72 điểm trường trên địa bàn đều là HS dân tộc thiểu số nên việc nói và hiểu tiếng Việt không đáp ứng yêu cầu dẫn đến khả năng lĩnh hội kiến thức của HS gặp nhiều khó khăn dẫn đến chất lượng giảng dạy và học tập thấp.

Trước thực tế đó, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước tuổi đến trường và HS tiểu học đóng vai trò trọng tâm, then chốt, ông Được nhấn mạnh.

Thực hiện theo chương trình này, huyện Mường Lát đã tuyển được 72 người; Như Xuân 50, Ngọc Lặc 96 và Thường Xuân 69, tổng cộng là 287 nhân viên hỗ trợ giáo viên của các dân tộc Thái, Kinh, Mường, Thổ, Dao.

Sau thời gian tuyển chọn và tập huấn, đội ngũ nhân viên này đã nắm được nghiệp vụ, biết cách thức tổ chức phương pháp dạy tiếng Việt thông qua việc tổ chức các hoạt động, biết làm đồ dùng dạy học cũng như sử dụng linh hoạt đồ dùng dạy học, ông Trần Ngọc Chương, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Như Xuân nhận xét.

Ông Lý Đình Thịnh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Như Xuân cũng cho biết, các nhân viên này đã biết và hiểu được một số công việc vụ thể như HS tiểu học học tập bằng những cách học? HS dân tộc đang học tiểu học cần được hỗ trợ thêm những gì? Những kỹ năng dạy học chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường…

Anh Phạm Văn Dũng đã xin vào làm nhân viên hỗ trợ giáo viên tại điểm Thôn Me, Trường tiểu học Bãi Trành, huyện Như Xuân do chưa xin được việc làm dù ra trường từ năm 2006. Anh Dũng cho biết, tuy là người Kinh nhưng biết tiếng Thái, Thổ lại là giáo viên dạy Nhạc nên Dũng ở điểm trường này hỗ trợ tiếng Việt cho giáo viên và hướng dẫn HS cách sử dụng đồ dùng học tập.

Giáo viên chủ nhiệm không "kham" hết công việc do không hiểu hết tiếng của HS nên nhân viên hỗ trợ phải cầm tay HS hướng dẫn viết chữ, thậm chí, HS không đi học còn đến nhà vận động và đón HS đến lớp, chị Lê Thị Lựu (dân tộc Thổ đã tốt nghiệp THPT), NVHTGV điểm lẻ Cát Tiến, Trường tiểu học Yên Lễ 2, huyện Như Xuân cho biết.

Để NVHTGV tồn tại bền vững?

Rõ ràng là nhân viên hỗ trợ giáo viên đã có tác dụng lớn khi 2 giáo viên kèm 7 HS. Nhưng, lo lắng của những người triển khai chương trình này là khi Dự án rút đi, liệu chương trình có còn tồn tại? Tại đợt kiểm tra giám sát đánh giá của Dự án PEDC đầu tháng 12 vừa qua, một số địa phương cũng băn khoăn trước thực tế này. Theo kế hoạch, hết tháng 12/2009 Dự án này sẽ kết thúc. Khi tham gia chương trình này, mỗi NVHTGV được Dự án trả lương trong 11 tháng/năm với mức 430.000 đồng/tháng.

Theo quy định, điểm trường lẻ có ít nhất 7 HS, điểm trường chính 10 HS dân tộc thiểu số học lớp 1 sẽ được tuyển 1 nhân viên hỗ trợ. Và tỷ lệ này sẽ được nhân lên nếu số HS dân tộc càng đông. Mặc dù vậy, nếu trường có giáo viên là người địa phương thì không cần đến nhân viên hỗ trợ. Ông Lý Định Thịnh cho biết, theo kế hoạch đến năm 2015 cơ bản có giáo viên miền núi. Nhưng từ năm 2010 đến thời gian đó, khi không còn hỗ trợ của dự án thì địa phương rất khó khăn để trả kinh phí.

Ông Trần Ngọc Chương đưa ra giải pháp, sẽ kế thừa để phát huy khi Dự án rút đi bằng cách tham mưu với UBND huyện để vận động những giáo viên đã về hưu, SV ra trường chưa có việc để hỗ trợ thêm trong hè.

 

Thu Anh (Vietnamnet)

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)