Ngân hàng tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự ở mọi bộ phận khiến nhiều nhân viên nữ nghĩ đủ kế để thoát danh sách ép nghỉ giữa thời buổi công ăn việc làm bấp bênh như hiện nay.
Doanh nghiệp, ngân hàng chưa được xem xét nghỉ việc đối với những nhân viên đang mang thai hoặc nghỉ sinh. Ảnh minh họa: Anh Quân. |
Chị Thúy, quản lý bộ phận nhân sự một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết năm ngoái cơ quan chị cắt giảm hơn 600 trong tổng số gần 4.000 nhân viên. Năm nay, ngân hàng định cắt giảm thêm 20% sau khi hoàn thành tái cơ cấu hệ thống. Đợt thanh lọc đầu tiên vừa diễn ra, nhiều người đã bị ép nghỉ.
"Có một số người trong diện thôi việc nhưng lại đúng thời gian họ nghỉ sinh, nên buộc phải nhặt người khác vào danh sách", chị Thúy cho hay.
Bản thân phòng nhân sự của chị, gần đây lẽ ra phải cắt giảm 3 người nhưng một người trong số đó đang có thai. Do đó, chị chỉ phải cân nhắc trường hợp khác.
Chị Luyến, nhân viên một ngân hàng cổ phần khác, kể ngay từ đầu năm, lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm 15-20% nhân sự. Nghe tin này ai cũng như "ngồi trên đống lửa", lo mình có thuộc diện cắt giảm. Để thoát nạn, một số nhân viên nữ lên kế hoạch mang thai dù chưa có ý định sinh con vào năm nay.
"Nếu có thai, rồi nghỉ sinh thì ít ra cũng giữ chỗ được trong khoảng hơn một năm. Khi đó ngân hàng cơ cấu xong, nhân sự sẽ không biến động nhiều nữa. Hoặc đến sang năm, nền kinh tế sẽ ổn định hơn thì tìm công việc mới ít ra cũng không khó khăn như bây giờ", nhân viên này lý giải.
Chị Luyến cho biết trong khi nhiều nhân viên khác trong ngân hàng đang đứng ngồi không yên thì các bà bầu vẫn "bình chân như vại".
Bên cạnh việc cắt giảm nhân sự, nhiều nhà băng còn điều chuyển nhân viên từ hội sở xuống chi nhánh, phòng giao dịch và ngược lại. Từng là trưởng phòng kinh doanh một chi nhánh, đến nay, ngân hàng cơ cấu lại hệ thống, sáp nhập một số phòng giao dịch, anh Trung bị đẩy xuống làm nhân viên.
"Ban đầu khi nghe tin điều chuyển, mình cũng xoay sở để xin sang làm trưởng phòng ở một ngân hàng khác. Tuy nhiên, thực sự mọi chuyện không dễ dàng, tìm một công việc tốt thời điểm này rất khó", anh Trung nói.
Nhân viên này cảm thấy may mắn vì không đến nỗi bị mất việc. "Không ít đồng nghiệp của mình đã bị ép nghỉ và giờ vẫn chưa biết đi đâu, làm gì", anh Trung cho hay.
Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Luật Lao động, đối với những trường hợp đang mang thai hoặc nghỉ sinh, doanh nghiệp, ngân hàng chưa được cho nghỉ việc. Trừ khi doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản.
"Khi nào nhân viên hết thời gian mang thai và nghỉ sinh, doanh nghiệp mới có thể xem xét đến việc cho lao động nghỉ nếu vẫn có kế hoạch cắt giảm nhân sự", ông Bình cho hay.
Vị luật sư này cũng cho rằng, kể cả không xét ở khía cạnh pháp lý thì thường nếu doanh nghiệp, ngân hàng không quá khó khăn sẽ chưa ép lao động đang mang thai phải nghỉ việc.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang ra tay để tái cơ cấu hệ thống nhà băng thì ở trong bản thân mỗi ngân hàng, quá trình này cũng diễn ra khá mạnh. Trong đó không thể bỏ qua những cải tổ mạnh mẽ về nhân sự để phù hợp với mô hình mới.
"Vì thế, việc tinh giản bộ máy, điều chuyển nhân sự tại ngân hàng là điều không tránh khỏi. Nó có thể kéo dài đến hết năm nay, thậm chí sang 2014", ông Lực cho hay.
Theo Ngọc Tuyên
VnExpress
VnExpress
Bình luận (0)