Người làm công tác nhân sự như linh hồn của doanh nghiệp bởi thông qua họ, việc tuyển người, giữ người; tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp… được thực hiện
Mới đây, tại hội thảo về nguồn nhân lực, chúng tôi có dịp gặp lại anh N.H.P, phó phòng kinh doanh một công ty sản xuất điện tử đóng tại KCX Tân Thuận- TPHCM. Những tưởng anh còn đảm nhận vị trí cũ nhưng không ngờ anh thông báo đã chuyển sang công ty mới đóng tại Bình Dương. Chúng tôi bất ngờ về sự ra đi của anh khi mà trước đó anh rất tâm huyết với công việc. Anh chia sẻ: “Không phải tôi không mặn mà với công ty cũ nơi tôi từng gắn bó mà vì người quản lý nhân sự nên tôi phải ra đi”.
Tuyển chọn nhân sự là công việc của nghề nhân sự. Trong ảnh: Tìm kiếm nhân sự tại Ngày hội việc làm |
Giữ người, sử dụng người
Theo anh P., lý do khiến anh ra đi không phải do môi trường làm việc mà là anh cảm thấy bị tổn thương trước sự không giữ lời của vị giám đốc nhân sự. Anh kể: “Khi nhận việc tại công ty, vị giám đốc nhân sự hứa sẽ đề bạt tôi vào vị trí giám đốc kinh doanh khi người nước ngoài hết nhiệm kỳ. Thế nhưng sau hơn 2 năm làm việc, vị giám đốc nhân sự lại lạnh lùng thông báo là chính sách công ty thay đổi, tôi vẫn ở vị trí cũ”. Anh P. cho rằng nếu lúc ấy, giám đốc nhân sự khéo léo hơn, đưa ra hướng để anh tiếp tục gắn bó với công ty thì anh sẽ không ra đi. “Đằng này, sau câu nói ấy, tôi thấy mình thừa thãi”- anh P. tâm sự.
Còn nhớ năm 2007, khi ngành chứng khoán đang “nóng”, để có nhân viên môi giới, tư vấn viên…, các công ty chứng khoán phải giành giật nhân lực từ đối thủ cạnh tranh. Thế nhưng, lúc bấy giờ Công ty EPS- TPHCM không chỉ ổn định nguồn nhân lực mà còn tuyển được nhiều nhân viên. Để giữ được người trong giai đoạn ấy là cả một bài toán khó cho bộ phận nhân lực của công ty. Chị Huỳnh Ngọc Ánh, phụ trách nhân sự, đã đưa ra cách thức giữ người rất hiệu quả: Ngoài việc khuyến khích nhân viên ăn mặc đẹp, trang trí phòng làm việc với thật nhiều hoa tươi, chị còn chủ động khuyến khích nhân viên phát huy hết khả năng sáng tạo. Không những thế, phòng nhân sự còn cử ra hai nhân viên để chia sẻ vui, buồn với toàn thể nhân viên trong công ty. Cũng chính hình thức ấy mà nhân viên công ty lúc bấy giờ không thể ra đi mặc dù đối thủ cạnh tranh sẵn sàng trả lương cao.
Linh hồn của doanh nghiệp
Có thể nói, người làm công tác nhân sự như linh hồn của doanh nghiệp. Bởi thông qua họ, những kế hoạch cũng như chiến lược tuyển người, giữ người, phát triển; tạo một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân viên tài năng… được thể hiện cụ thể ở mỗi doanh nghiệp. Thế nhưng điều đáng nói là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lại xem nhẹ vai trò nhân sự, thậm chí ở một số doanh nghiệp hoàn toàn không có đội ngũ này. Thêm vào đó, đội ngũ làm nhân sự không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp càng khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát triển tổ chức trong tương lai.
Theo các công ty tư vấn nguồn nhân lực, nhân sự là một trong những ngành đang thu hút nhân lực hiện nay bởi đây là ngành mà các doanh nghiệp cần cho sự phát triển tổ chức. Bà Nguyễn Phượng Loan, Phó Chủ tịch phụ trách nhân sự Công ty Unilever VN, nhận định: “Đa số nhân viên đang làm công tác này đều học hỏi qua kinh nghiệm làm việc là chính. Nhưng có một điểm chung là họ xuất phát từ những môi trường đào tạo, làm việc đa dạng và yếu tố này giúp họ có nhiều cách tiếp cận vấn đề và đưa ra được những giải pháp trong nhiều tình huống nhân sự khác nhau. Theo tôi, ngành nhân sự cũng sẽ rất nóng với sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước cũng như sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp nước ngoài”.
Bà Châu Thị Bé, Phó Tổng giám đốc Công ty Nhân Việt: Phải tuyển và giữ được người tài
|
Bình luận (0)