Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhân viên y tế học đường: Xử lý vừa chậm, vừa thiếu chính xác

Tạp Chí Giáo Dục

Luống cuống, xử lý tình huống trước người gặp nạn còn chậm, thiếu chính xác… là hạn chế một số nhân viên y tế còn gặp phải. Trong khi đó, vai trò đội ngũ này trong y tế nhà trường lại hết sức quan trọng.

Vững lý thuyết, yếu kỹ năng

Tại buổi huấn luyện sơ cấp cứu cho nhân viên y tế các trung tâm GDTX diễn ra thời gian gần  đây ở Tân Bình, qua quan sát chúng tôi thấy, nhân viên y tế nắm khá vững các lý thuyết chuyên môn. Nhưng khi đi vào thực hành thao tác sơ cấp cứu, một số nhân viên tỏ ra lúng túng, có phần chậm chạp, các bước sơ cấp cứu chưa thực sự chính xác. Nổi bật phải kể đến khâu đánh giá tình trạng thương tích, cách di chuyển nạn nhân…

Ông Đỗ Sơn (huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu TP.HCM) nhận xét, kỹ năng xử lý của các nhân viên còn chưa đúng, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp mặc dù tất cả nắm vững kiến thức trên mặt lý thuyết.

Theo chia sẻ của chính nhân viên y tế, lãnh đạo trường học, nguyên nhân khiến đội ngũ này chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn công việc là do trong quá trình đào tạo,  nhân viên ít có điều kiện thực hành, ít trải nghiệm thực tế.

Nhân viên y tế thuộc các trung tâm GDTX đang tham gia huấn luyện

Bà Trần Thụy Mỹ Linh, nhân viên y tế Trung tâm GDTX quận Tân Phú tâm sự, cơ hội để thực hành thao tác sơ cấp cứu trong thời gian học là rất ít, thay vào đó chúng tôi được chú trọng hơn về mặt lý thuyết. Chưa kể, nội dung đào tạo chuyên sâu về chuyên môn cũng không nhiều. Đơn cử đề cập đến các bệnh tật, tai nạn học đường, khi về trung tâm GDTX công tác, tôi phải thường lên mạng tìm hiểu về dịch bệnh, các bệnh học sinh thường vướng phải để nắm bắt tình hình.

Hiện nay các bệnh, tai nạn xảy ra ở học đường khá đa dạng. Từ cảm sốt, đau đầu, hạ canxi, ngất xỉu, thương tích ngoài da cho đến gãy tay chân, hóc dị vật… Và đã có những trường hợp nặng dẫn đến tử vong một cách đáng tiếc. Chính vì thế, vai trò của nhân viên y tế hết sức quan trọng. Và xét về chuyên môn, yêu cầu đội ngũ này phải biết quan sát hiện trường thu thập thông tin, đánh giá tình trạng nạn nhân đúng để biết cách tiếp cận. Qua đó thực hiện sơ cứu chăm sóc, hỗ trợ, vận chuyển an toàn đến nơi gần nhất nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế các tổn thương thứ phát, tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3 cho biết: “Trường tôi đã từng có học sinh bị phong giật. Tuy nhiên người sơ cấp cứu lúc này lại là một giáo viên chứ không phải là nhân viên y tế, bởi giáo viên ấy có kinh nghiệm. Điều này cho thấy, không phải nhân viên y tế trường học nào cũng làm được”. Cô hiệu trưởng này cho biết thêm, hầu hết nhân viên y tế đều có đầy đủ bằng cấp, nhưng muốn giỏi chuyên môn phải thuần thục thao tác xử lý, xử lý đúng cách, nhanh, kịp thời và đảm bảo an toàn cho nạn nhân mới là quan trọng.

Trình độ không giống nhau

Quy định của Bộ GD-ĐT đưa ra đối với nhân viên y tế trường học phải đạt trình độ trung cấp y trở lên mới đảm bảo công việc. Nhưng hiện nay, số lượng nhân viên đang công tác tại trường học được đào tạo trung cấp y hết sức ít ỏi. Đa số là trình độ trung cấp dược, điều dưỡng và thậm chí là sơ cấp.

Theo thầy Trần Đức Vinh – Hiệu trưởng Trường THCS An Phú (Q.2) – đầu vào của một số nhân viên chưa đồng đều. Nói thẳng là trường tôi, trình độ nhân viên y tế đang công tác chỉ đạt sơ cấp. Phần lớn các mặt tồn tại của họ là lớn tuổi, gặp khó khăn trong quá trình cập nhật các kiến thức mới hoặc thực hiện chuyên môn.

Ông Nguyễn Hữu Nghị, cán bộ y tế quận Tân Bình cũng cho rằng, nhân viên y tế có trình độ trung cấp y sẽ đảm bảo vững chuyên môn, nghiệp vụ sơ cấp cứu hơn các trình độ khác. Nhưng đội ngũ này công tác trong trường học lại rất ít, đa số trình độ trung cấp điều dưỡng và dược. “Rất nhiều trường trung cấp đào tạo nhân viên y tế nhưng tập trung đào tạo trình độ dược, điều dưỡng. Khi về công tác, ngành giáo dục lại phải tiếp tục tổ chức tập huấn mọi kỹ năng chuyên môn cho họ. Giá mà mỗi trường học có được một nhân viên được đào tạo trung cấp y thì hay biết mấy”, ông Nghị cho biết.

Trong báo cáo công tác y tế trường học mới đây, TS. Lê Văn Tuấn – Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT – đã nhìn nhận: Hiện chỉ 30% trường học có nhân viên y tế chuyên ngành y còn gần 70% là giáo viên, nhân viên khác kiêm nhiệm. Năng lực nhiều nhân viên, đặc biệt là nhân viên kiêm nhiệm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời

Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – Phó trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT TP – cho biết: “Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ tai nạn hết sức đáng tiếc. Vì thế công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho nhân viên y tế vô cùng quan trọng. 100% nhân viên y tế trường học sẽ được trang bị kiến thức sơ cấp cứu, rèn luyện các kỹ năng chuyên môn, đảm bảo sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó, xử lý kịp thời các tai nạn thương tích trong sinh hoạt và học tập tại trường…”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)