Phòng y tế học đường tại Trường TH Hoàng Diệu HN là mô hình mẫu. Ảnh: Hà Nam |
Ngày 12/7/2006, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về tăng cường công tác y tế trong các trường học. Tiếp đó, thông tư liên tịch của Bộ GD-ĐT và Nội vụ có hướng dẫn biên chế viên chức trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập và mầm non, trong đó đều có biên chế cho cán bộ y tế. Nhưng ngay tại Hà Nội, mới chỉ có trên 50% trường học có phòng hoặc góc y tế học đường, cán bộ y tế chủ yếu là kiêm nhiệm hoặc hợp đồng. Hà Nội đã vậy, không biết các tỉnh khác, tình hình có cải thiện hơn?
Hà Nội: 51,5% trường học có phòng, góc y tế theo quy định
Theo báo cáo của Sở Y tế HN, thành phố có 1137/2207 trường có phòng, góc y tế theo quy định. Trong số 2207 trường thì có 11646 trường có cán bộ y tế, trong đó Hà Nội (cũ) chiếm 91,4% (833/912 trường), 849/1295 trường Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh. Điều đáng nói là các cán bộ y tế tại trường của Hà Nội cũ chủ yếu là kiêm nhiệm hoặc hợp đồng ngắn hạn còn ở Hà Tây (cũ), 100% cán bộ y tế nhà trường là cán bộ định biên. Với 42,4% cán bộ y tế làm công tác kiêm nhiệm- những BS “bất đắc dĩ” nên chất lượng của chẩn đoán, xử lý tình huống không thể đòi hỏi có chất lượng.
Cô Đào Thị Ngọc Đoan, Hiệu phó phụ trách nuôi Trường mầm non Trung Tự (Đống Đa) cho biết: Trường Trung Tự là trường chuẩn quốc gia nên có phòng y tế học đường với dụng cụ, thuốc đi kèm theo đúng quy định của ngành y tế. Tuy nhiên, việc tìm người phụ trách phòng này lại rất… gian nan. Với mức lương nhà trường trả 500.000đ/tháng, trách nhiệm lại nặng nên dù đã tuyển rất nhiều nhưng người nào trụ được nhiều nhất cũng không quá một năm. Từ năm 2006 đến nay, mặc dù nhà trường có thông báo tuyển nhưng không tìm được người. Theo cô Đoan, đặc thù của mầm non là HS chưa tự làm chủ được hành động của mình nên tình trạng trẻ bị thương do đánh nhau, tự ngã rồi sặc thức ăn thường xuyên xảy ra nên nhân viên y tế… làm không hết việc. Lương thấp trong khi trách nhiệm quá lớn khiến những người làm việc này vì yêu trẻ cũng không thể trụ lại được.
Còn cô Hoàng Bích Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Khương Trung (Thanh Xuân), nhà trường có nhân viên y tế, được hưởng hệ lương trung cấp nhưng nhiều lần xin đi do nơi khác trả lương cao hơn nên ban giám hiệu phải thường xuyên làm công tác tư tưởng. Tới đây, nhà trường tạo điều kiện cho cô được thi vào biên chế.
Tâm sự của những BS “bất đắc dĩ”
Không tuyển được người làm công tác y tế học đường nên hầu hết các trường mày mò bằng cách cử GV dạy môn Sinh học hoặc Giáo dục công dân phụ trách luôn phòng y tế học đường. Trường mầm non Trung Tự cử thủ kho kiêm phụ trách phòng y tế nên không phải lúc nào thủ kho cũng có mặt ở phòng y tế. Do vậy, GV chủ nhiệm vẫn phải xử lý tình huống xảy ra trên lớp với tinh thần sự việc xảy ra trước mắt ai thì người đó phải xử lý, cô Đoan cho biết. Cô Trần Hải Yến, GV lớp nhà trẻ số 8 Trường mầm non Trung Tự cho biết: Dạy trẻ mẫu giáo rất mệt, phải lo từ việc ăn uống, vệ sinh trong khi các em chưa ý thức được hành vi của mình nên tình trạng đánh nhau, chấn thương do tự ngã, sặc đồ ăn… là chuyện bình thường. Vì vậy, không chỉ có nhân viên y tế mà ngay cả các GV cũng phải tự trang bị cho mình kiến thức để xử lý các tình huống thông thường.
Cô Trịnh Thị Liên, GV chủ nhiệm lớp 3 Trường TH Xã Đàn tâm sự: Mặc dù nhà trường có phòng y tế nhưng nhân viên y tế là kế toán kiêm nhiệm nên công việc chủ yếu vẫn là làm kế toán nên các tình huống xảy ra trên lớp đều do GV xử lý. Tại trường Xã Đàn, có nhiều HS khiếm thính nên tuy không phải giải quyết nhiều việc như bậc mầm non nhưng nhiều khi cũng có tình huống dở khóc dở cười. Nhiều em đang học bỗng hét ầm lên làm cả lớp nhốn nháo. Sau một hồi hỏi han mới biết do đeo máy trợ thính nhiều quá nên em bị đau tai. Hay cũng có trường hợp bị não úng thuỷ nên giờ ra chơi, cô và trò cứ kè kè bên nhau vì chỉ cần va chạm nhỏ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
GV tập kỹ năng làm BS
Trước thực trạng GV tự mày mò trong việc xử lý chấn thương cho trẻ, BV Nhi TW có dự án Đào tạo kỹ năng xử trí cứu ban đầu về tai nạn thương tích trẻ em cho GV trong các trường mầm non và phổ thông. Dự án đạt giải Ngày sáng tạo VN năm 2007 và được triển khai tại 12 trường của Hà Nội. Theo nhận định của ThS Y tế công cộng, điều phối viên dự án Đỗ Mạnh Hùng, sai lầm lớn nhất là mọi người quan niệm rằng khi trẻ bị hóc thì phải lấy tay móc dị vật ra hoặc khi trẻ bị tắc nghẽn đường thở nhưng không dám tiến hành biện pháp mạnh như ấn ngực, mở đường thở… Do vậy, trong đợt tập huấn, các BS của BV sẽ hướng dẫn GV cách xử trí tình huống hay gặp trong trường, các bước thực hiện. Theo ghi nhận của các GV, nhờ được tập huấn, thực hành lâm sàng nên ai cũng cảm thấy tự tin, bình tĩnh xử lý khi gặp các tình huống không chỉ ở trường mà còn ở nhà, ngoài xã hội.
Bách Hợp
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)