Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhận xét, đánh giá đề: Đề sinh dễ thở

Tạp Chí Giáo Dục

Ở môn thi sinh học, môn đầu tiên của khối B, nhiều TS rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi vì làm được bài. TS Trần Thị Bích Thủy (Định Quán, Đồng Nai) cho biết, tuy không được đầu tư nhiều vì đây không phải là khối thi chính nhưng em làm bài khá tốt. Trong số những câu em làm, có khoảng trên 50% câu cảm thấy chắc chắn. TS Phạm Thị Thúy Giảng (Bình Phước) thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng tự tin vào 70% đáp án đã chọn. Giảng nhận xét, phần khó của đề rơi vào một số câu bài tập nhưng nhìn chung đề năm nay dễ hơn năm ngoái, đa số các bạn trong phòng em đều làm được. Có khoảng 7/50 câu em không chắc chắn lắm. Được biết, Giảng học khá tốt môn sinh với điểm tổng kết gần 8 phẩy. Cũng thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, TS Đinh Thị Ngọc Diễm (Bình Thuận) chỉ chừa lại bốn câu không làm được. Diễm nhận định, mức độ đề ra không khó so với năm ngoái (năm ngoái Diễm đã thi vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), không bất ngờ vì đều nằm trong chương trình phổ thông.
Đề văn khối D khó hơn khối C
Dù đề văn khá dài nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều TS hoàn thành và nộp bài rất sớm. Ở môn văn, tại hội đồng thi các trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM… nhiều TS rời khỏi phòng thi sớm một tiếng đồng hồ. Trong số đó, có những em làm bài “chớp nhoáng”, chỉ gói gọn trong một đôi giấy. Đối với khối C, các TS đánh giá rằng đề không khó, chỉ cần nắm vững kiến thức phổ thông là có thể làm được. Câu hỏi nghị luận được nhiều TS nhận xét là hay nhưng cũng không phải dễ làm. TS Võ Tiến Trọng (Trường THPT Marie Curie, TP.HCM) hồ hởi: “Dù đợt thi tốt nghiệp vừa rồi em chỉ đạt 4,5 điểm môn văn thôi nhưng khả năng ở đợt thi này em đoán được 5-6 điểm vì đề văn hầu hết nằm trong chương trình 11 và 12”. Ra sớm nửa tiếng, TS Nguyễn Thị Hoàng Yến (Trường THPT chuyên Long An) cũng đồng tình: “Ngoài hai câu hỏi nằm trong chương trình phổ thông thì phần đề nghị luận khá hay, gần gũi với tâm lý, suy nghĩ của lứa tuổi học sinh nên cũng khá thuận lợi khi trình bày”. Nhiều TS khác cũng tỏ ra hào hứng và thích thú với câu nghị luận ở đề văn của khối C yêu cầu “viết một đoạn văn 600 chữ bày tỏ suy nghĩ về câu “Biết tự hào về bản thân là tốt nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”. Một số TS khác lại “than” vì yêu cầu phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là “khó nuốt” đối với các bạn. Cũng theo đánh giá của một số giáo viên văn, đề văn khối D lại khó hơn khối C. Có những câu không chỉ dừng ở mức độ kiểm tra kiến thức mà còn đòi hỏi khả năng phân tích và cảm thụ.
Đề sử khó nuốt
Ở môn sử, tại một số hội đồng thi chỉ mới hết 2/3 thời gian thi mà TS đã ào ào kéo ra khỏi phòng thi, lý do là đề khó không làm bài thêm được nữa. TS Phạm Thị Lan Phương (Bình Phước) cho biết, vào khoảng 2/3 thời gian mà cả hơn nửa số TS trong phòng em (điểm thi Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) đã rời phòng thi. Phần đông những TS ra sớm đều không hoàn thành trọn vẹn bài làm. Theo các em, đề thi đòi hỏi phải nắm chắc kiến thức, biết suy luận, chọn lựa đúng sự kiện… chứ không chỉ đơn thuần học thuộc hay nắm sự kiện là có thể làm được. Cũng theo TS Lan Phương, khá nhiều bạn bị nhầm lẫn sự kiện, mốc thời gian… dẫn đến phân tích sai. Chính bản thân em cũng bị nhầm như vậy. TS này đoán, cao nhất điểm thi của em cũng không vượt quá điểm 5. Đây cũng là mức điểm mà nhiều TS khi được hỏi đã “tự chấm” cho mình ở môn thi sử.
Mê Tâm (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)