Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhận xét đề thi THPT quốc gia 2015: Môn Lý

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Phan Thanh Bình (giáo viên môn lý, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP.Cần Thơ): Đề thi rất hay

Theo tôi, đề thi môn lý mang tính phân hoá cao, nội dung phù hợp cho một kỳ thi phục vụ: xét tốt nghiệp THPT và lấy dữ liệu xét tuyển ĐH, CĐ.

Cấu trúc đề giống hướng đề minh hoạ của Bộ GD-ĐT. Đề có 50 câu trắc nghiệm, kiến thức chủ yếu ở lớp 12, mối liên hệ với lớp 10 chiếm phần rất nhỏ. 16 câu đầu tiên của đề rất dễ, thí sinh chỉ cần thuộc bài là làm tốt. 14 câu kế cần một chút  suy luận và vận dụng kiến thức. Nhìn chung, 30 câu ở phần đầu dành để thí sinh lấy điểm xét tốt nghiệp, kiến thức và phương pháp làm bài không đòi hỏi chiều sâu, học viên các Trung tâm GDTX  thoải mái khi làm bài.

20 câu còn lại thuộc dạng nâng cao, độ khó tăng dần lên. Để giải những câu này, thí sinh phải có học lực giỏi, biết vận dụng kiến thức toán học và làm nhiều thao tác mới tìm ra kết quả cuối cùng. Như vậy để giải được phần nâng cao, thí sinh phải nắm chắc và biết vận dụng kiến thức, đồng thời có tư duy tốt, đã từng ôn luyện và làm nhiều dạng bài tập (vì một bài tập thường có nhiều cách giải); từ đó thí sinh mới biết chọn phương pháp giải ngắn nhất khi làm bài, đáp ứng kịp thời gian cho 50 câu.

Đề có nhiều điểm hay như: sát với kiến thức, chương trình sách giáo khoa; cho các câu dễ phía trước, giúp thí sinh cảm thấy nhẹ nhàng, không sốc khi nhìn vào đề thi, góp phần giúp thí sinh an tâm làm các phần tiếp theo. Cách đặt câu hỏi rõ ràng, dễ hiểu, không mang tính đánh đố; có những câu mang tính thực tế vừa hay vừa ý nghĩa, chẳng hạn câu 9, đặc biệt là câu 19: “Ở Trường Sa, để có thể xem các chương trình truyền hình phát sóng qua vệ tinh, người ta dùng anten thu sóng trực tiếp từ vệ tinh…” nội dung câu này vừa mang ý nghĩa “nhắc” thí sinh chủ quyền biển đảo  vừa  nêu cụ thể rõ ràng môi trường, địa điểm, giúp câu hỏi mang tính vận dụng và ý nghĩa phong phú, thực tế hơn phần kiến thức trong sách giáo khoa… Với đề này, thí sinh học lực trung bình nhưng chăm chỉ đạt điểm 4 hoặc 5  dễ dàng. Học lực khá có thể đạt điểm 7 trở lên. Học lực giỏi đạt điểm 8. Nhưng rất khó kiếm điểm 10 vì độ khó và phức tạp của phần nâng cao. Phổ  điểm chính sẽ dao động ở mức 4,5 đến 6,5 điểm.

Thầy Phạm Quốc Toản (giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội): Đạt điểm 10 rất khó

Theo tôi, đề ra đúng theo tinh thần của Bộ GD-ĐT là không gây sốc với thí sinh (tức là các câu nhẹ nhàng xuất hiện trước). Khả năng thí sinh trung bình đạt 5-6 điểm khá dễ nhưng để đạt điểm 8-9 là rất khó. Khả năng năm nay rất hiếm điểm 10. Đạt điểm 10 là những thí sinh cực kỳ xuất sắc về cả kiến thức và tư duy. Tính ứng dụng kiến thức lý trong cuộc sống và kỹ thuật là khá cao.

Trong khi đó, thầy Phạm Văn Tùng (giáo viên một trung tâm luyện thi tại Hà Nội) cũng cho biết đề thi năm nay phân loại tốt, rất hay đáp ứng mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, trong đó có 60% kiến thức cơ bản, phổ điểm chính rơi vào khoảng 5-6 điểm. Đối với học sinh trung bình có thể đạt điểm 6, trung bình khá có thể đạt đến 7,5 điểm. Đối tượng học sinh khá giỏi có thể đạt từ 8-9,5 điểm. Tuy nhiên, năm nay sẽ rất hiếm điểm 10 vì có khoảng 10 câu rất khó, trong đó có 5 câu  liên quan đến hình vẽ, đồ thị. Đối với việc phân loại học sinh khá giỏi, kiến thức vẫn tập trung nhiều vào phần kiến thức nằm trong học kỳ I của lớp 12, đặc biệt là các phần điện xoay chiều và sóng cơ. Có 1 câu thực nghiệm được mô tả bằng hình vẽ yêu cầu thí sinh vừa có kiến thức chắc, đồng thời phải có kỹ năng phân tích tốt đồ thị. Đề thi cũng liên hệ tới các vấn đề thực tiễn như câu về điện dân dung, biển đảo Trường Sa.

Đan Phượng, Nghiêm Huê (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)