Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhận xét đề thi tốt nghiệp THPT 2011

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Môn ngữ văn:
Đề “mở”, yêu cầu vận dụng kiến thức nhiều

Thầy, trò cùng giải đề thi tại HĐT Trường THCS Colette.  Ảnh: M.T
Đề thi môn văn năm nay, tôi chắc rằng TS sẽ ngạc nhiên vì cách ra đề lạ. Cụ thể, đề thi ra khá “mở”, yêu cầu vận dụng kiến thức nhiều hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước. Câu 3a, 3b thuộc phần riêng không khó so với TS bình thường và TS học chương trình nâng cao. Riêng với câu nghị luận xã hội, đề thi nhìn qua có vẻ “hóc búa” nhưng lại tương đối dễ, phong phú và sát với lứa tuổi các em hiện nay. Dạng văn nghị luận xã hội đã được các TS học và làm nhiều tại lớp nên vấn đề đưa ra vừa lạ, lại vừa quen. Khác chăng chỉ là sự phong phú của đề: “Trước những ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn con đường đúng cho mình”. Vấn đề này nhắc tới cái “tôi”, sự quyết định của từng cá nhân nên sẽ có nhiều TS hào hứng khi làm bài. Tôi nghĩ, nội dung đề thi cũng là lời nhắc nhở đối với các TS trước ngưỡng cửa đời mình. Thực tế hiện nay có nhiều học sinh chưa xác định được nghề nghiệp cũng như bước đường sau này của mình. Do đó, đề thi là lời cảnh tỉnh để các em tự thức tỉnh mình, tự vạch ra mục tiêu để phấn đấu ngay sau khi vừa tốt nghiệp bậc THPT.
Đinh Thị Mỹ Hạnh
(Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Trần Khai Nguyên)
 
Đề phù hợp với năng lực của học sinh hiện nay
Trao đổi về đề văn, cô Ngô Thị Hồng Liên, giáo viên văn Trường THPT Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết đề thi năm nay không khó nhưng bất ngờ ở câu 1 (2 điểm). Theo cô Liên, đề thi các năm trước câu 1 thường là câu hỏi kiến thức liên quan đến văn học nước ngoài (một tác giả hay một hình tượng nào đó) nhưng năm nay lại là một chi tiết trong truyện ngắn hiện đại của văn học Việt Nam (tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu). Cô Liên cũng cho hay, câu 2 (nghị luận) cũng không khó, vừa sức với học sinh trung bình. Nhìn một cách tổng thể thì đề văn năm nay không có gì đánh đố học sinh. Hoàn toàn phù hợp với năng lực của học sinh hiện nay. Còn thầy Phạm Gia Mạnh, giáo viên văn Trường THPT chuyên ĐHSP HN cho biết, đề thi năm nay vừa sức với học sinh. Tuy nhiên, với câu 1 (về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu), thầy Mạnh cho rằng, dù đây là câu hỏi hay, thú vị nhưng hơi quá sức so với mặt bằng chung của học sinh cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp. Theo cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT, câu 1 thường là câu tái hiện kiến thức nhưng ở đề thi này, câu 1 lại nghiêng về phân tích và tái hiện hơn. Tuy nhiên, với những học sinh học khá môn văn sẽ rất thích câu hỏi như thế này.
Nghiêm Huê
Môn vật lý:
Đề khá sát với chương trình SGK
Đề thi ra khá sát với chương trình ôn tập, kiến thức phân bố đều các chương trong chương trình SGK. Có thể nói, đề thi năm nay không đánh đố TS. Một HS trung bình yếu nếu học kỹ và làm bài cẩn thận vẫn có thể đạt được điểm trung bình. Đây là điều khiến nhiều TS yên tâm sau khi kết thúc buổi thi. Tuy nhiên, so với các đề thi trước đây, đề thi năm nay có phần khó hơn vì phải vận dụng kiến thức vào bài làm hơi nhiều. Những TS không nắm vững kiến thức và kỹ năng làm bài khó đạt được điểm cao. Đặc biệt, đề thi có nhiều điểm lạ nên những TS học tủ kiến thức rất dễ làm nhầm. Cùng một dạng đề nhưng cách hỏi và cách chọn lựa đáp án lại khác so với chương trình học trong SGK. VD: câu 2 mã đề 853, đề cho giá trị cực đại (U0) và yêu cầu TS tính giá trị hiệu dụng (U). Trong khi đó, chương trình học thường cho U và yêu cầu tính U0. Cũng ở mã đề này, câu 36 hỏi: Tốc độ truyền âm ở trong không khí 00C, không khí 250C, nước và sắt, cái nào nhanh nhất? Trong chương trình học SGK, các em được học vận tốc truyền âm sẽ nhanh dần theo công thức: không khí-chất lỏng-chất rắn. Đề thi ra như vậy sẽ khiến nhiều TS hoang mang ở phần không khí 00C và 250C. Thực ra, nếu tinh ý, TS sẽ chọn sắt là đáp án đúng.
Tổ vật lý Trường THPT Nguyễn Chí Thanh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)