Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Nhanh chóng nâng cao năng lực KH-CN quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

* Không cổ phần hóa bệnh viện công lập

Bộ Chính trị vừa ra Thông báo kết luận số 234-TB/TƯ về báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về khoa học – công nghệ (KH-CN) và nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH-CN từ nay đến năm 2020.

Bộ Chính trị nhận định, KH-CN đã góp phần tạo ra những chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Những đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất cơ khí chế tạo kết cấu thép chuyên dụng, đóng tàu, viễn thông, điện lực, dầu khí, khai thác tài nguyên khoáng sản… đã góp phần làm cho toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng cao liên tục những năm qua. Từ một nước thiếu lương thực, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhiều nông sản có giá trị khác.

Đồng thời, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ: KH-CN nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đội ngũ chưa đáp ứng tốt yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chưa trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và khắc phục được tình trạng tụt hậu so với một số nước trong khu vực.

Chất lượng đội ngũ cán bộ KH-CN nhìn chung còn thấp, thiếu những cán bộ, chuyên gia giỏi đầu đàn trong nhiều lĩnh vực KH-CN, đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với các lĩnh vực kinh tế – xã hội của đất nước. Chính sách đãi ngộ, sử dụng chưa thu hút được nhiều và sử dụng tốt cán bộ trẻ đã được đào tạo có trình độ cao về làm việc tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực.

Về hoạt động KH-CN từ nay đến năm 2020, thông báo kết luận nêu rõ cần tập trung những nhiệm vụ chủ yếu sau đây: Chú trọng tổng kết thực tiễn để bổ sung và phát triển lý luận trong sự nghiệp đổi mới; dự báo kịp thời tình hình và xu thế phát triển của thế giới, khu vực và trong nước; lý giải những vấn đề thực tiễn đặt ra và cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhanh chóng nâng cao năng lực KH-CN quốc gia, làm nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội; rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN gắn với phát triển kinh tế tri thức… Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, đẩy nhanh tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ trong tất cả ngành, tạo nhiều ngành nghề mới có hiệu quả và sức cạnh tranh cao, nhiều việc làm mới có năng suất cao, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm nhanh chóng nâng cao mức sống nhân dân.

Bảo đảm mục tiêu đến năm 2020, xây dựng được một nền KH-CN có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực; về cơ bản có khả năng tự chủ những công nghệ tiên tiến then chốt trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế, với chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh cao; trở thành động lực trực tiếp, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Về tổ chức thực hiện, thông báo kết luận nhấn mạnh yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương phải coi việc đẩy mạnh phát triển KH-CN từ nay đến năm 2020 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và thường xuyên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; nghiêm túc tổ chức quán triệt và có kế hoạch cụ thể thực hiện tốt kết luận này.

* Cùng ngày, TTXVN phát Kết luận số 42-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế) đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Bộ Chính trị nhấn mạnh, hệ thống y tế công lập phải giữ vai trò chủ đạo trong việc giữ vững định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Không cổ phần hóa bệnh viện công lập hiện có; khuyến khích xã hội hóa, xây dựng và thành lập mới bệnh viện cổ phần, bệnh viện liên doanh, cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện tư…

Bộ Chính trị cũng có ý kiến về một số nội dung đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính như sau: Trước mắt, Chính phủ ưu tiên chi từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA để đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống y tế công lập. Bảo đảm đủ ngân sách thực hiện khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách xã hội, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho người cận nghèo. Ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư cho hoạt động y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh lao, bệnh phong và bệnh tâm thần, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.

Đồng thời, cần tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập thu hút các nguồn vốn đầu tư khác dưới hình thức vay vốn để nâng cấp trang thiết bị và hạ tầng cơ sở. Cần tổng kết và có kết luận về việc đầu tư dưới dạng góp vốn với mọi hình thức trong các cơ sở y tế công lập. Đồng ý trên cơ sở kết quả thực hiện việc tự chủ sẽ tiến hành phân loại các bệnh viện và các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân loại các nhóm bệnh viện cho phù hợp. Trong quá trình tiến hành phân loại bệnh viện, cần kịp thời phát hiện và khắc phục các khuynh hướng biến bệnh viện công thành bệnh viện tư dưới mọi hình thức, khắc phục những hạn chế do việc thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính trong ngành y tế. Việc áp dụng phân loại nhóm bệnh viện cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất là trong các đơn vị y tế thuộc ngành công an, quân đội.

Bộ Chính trị cũng đồng ý về nguyên tắc xây dựng khung giá và giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ, bảo đảm rành mạch giữa hỗ trợ của Nhà nước và phần đóng góp của người dân trong giá dịch vụ, phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh ở các vùng có mức thu nhập khác nhau, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe, song cần có cơ chế, chính sách quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh sự lạm dụng kỹ thuật, dịch vụ y tế, thuốc men đối với người bệnh. Cần có những giải pháp cụ thể để khuyến khích các chuyên gia, thầy thuốc giỏi, đặc biệt là các cán bộ y tế đang công tác tại các vùng khó khăn, miền núi, y tế cơ sở…

Bộ Chính trị cho phép thực hiện chế độ phụ cấp hợp lý đối với cán bộ y tế theo nghề (trước mắt áp dụng tương đương như với người thầy giáo) theo vùng, miền, theo các chuyên ngành độc hại, nguy hiểm đối với sức khỏe cán bộ y tế. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tiến tới luật hóa nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ y tế đối với vùng kinh tế xã hội khó khăn của đất nước; sớm thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước…

(TTXVN)

Bình luận (0)