Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nháo nhác chạy trường cho “heo vàng”

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh nộp hồ sơ trái tuyến vào lớp 1 năm học 2012-2013 cho con tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1

Mặc dù mọi trẻ em đều có chỗ học, tuy nhiên không phải ông bố, bà mẹ nào cũng cam chịu “ngành giáo dục đặt đâu thì con họ phải ngồi đấy”. Từ đó đã “đẻ ra” vấn nạn nhà nhà chạy trường, người người chạy trường. Năm học 2013-2014 là năm “heo vàng” vào lớp 1, vấn nạn chạy trường lại càng nghiêm trọng hơn…
Trái tuyến mới là… đẳng cấp
Phải đến lần thứ 4 sinh con, chị Phương Linh mới có được cậu quý tử. Bởi vậy, chủ trương của vợ chồng chị là phải cho con được hưởng các dịch vụ giáo dục tốt nhất.
Khi Tuấn Khanh đến tuổi học mẫu giáo, mặc dù trái tuyến và trái cả đường đi nhưng chị Phương Linh vẫn cố chạy cho con một suất vào Trường Mầm non 19-5 TP. 3 năm liên tục, ngày nắng cũng như ngày mưa, mỗi buổi sáng chị chở con từ nhà (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh) tới trường (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1). Sau đó chị chạy ngược về chỗ làm (đường Trần Não, Q.2). Buổi chiều cũng vậy. Chưa tới 4 giờ là chị lại “vắt chân lên cổ” chạy tới trường đón con… Nhiều người thấy chị vất vả ngược xuôi như vậy, tỏ ra ái ngại. Nhưng chị bảo: “Học trái tuyến mới là… đẳng cấp”.
Năm học 2013-2014, Tuấn Khanh vào lớp 1. Tuy Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh chưa có kế hoạch tuyển sinh đầu cấp nhưng vợ chồng chị Phương Linh biết chắc chắn con mình sẽ vào học tại Trường Tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh. Đây được coi là một trường điểm ở Q.Bình Thạnh, nhiều phụ huynh mơ ước có một chỗ học cho con ở đây. Song, vợ chồng chị Phương Linh sẵn sàng từ bỏ và chấp nhận bỏ ra “bao nhiêu cũng được” để mua một chỗ học cho con ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1.
Trường hợp của chị Hải Vân (Q.8) cũng vậy. Năm nay, “heo vàng” của vợ chồng chị cũng vào lớp 1. Qua tìm hiểu chị được biết, con mình sẽ học ở Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu. Trường cách nhà chưa đầy 1km, mỗi buổi sáng chị có thể dẫn con đi bộ tới trường. Chiều, nhờ bà nội đón về. Thuận tiện là vậy nhưng chị chê trường làng, không xứng với đẳng cấp “heo vàng” của con chị.
Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, chị tận dụng mọi mối quan hệ để chạy cho con một chỗ học ngon lành. Chị tâm sự: “Có lẽ tôi sẽ cho Phúc Linh học ở Trường Tiểu học Lương Định Của, Q.3. Trường có lớp tăng cường tiếng Pháp, những lớp này tuyển sinh không phân biệt đúng tuyến hay trái tuyến. Chỉ cần có một chỗ học ở đây, rồi cho bé đi học tiếng Anh ở bên ngoài…”.
Đúng tuyến còn khó, mơ gì trái tuyến
Năm nay, TP.HCM sẽ tuyển gần 109.000 học sinh vào lớp 1, tăng gần 10 ngàn so với năm học trước. Chỉ riêng Q.Bình Tân, số học sinh vào lớp 1 năm nay đã tăng hơn 4 ngàn em so với năm học trước. Tuy nhiên, đây là những con số thống kê từ đầu năm 2013. Trong khi đó, năm nào cũng vậy, trẻ ở các tỉnh, thành khác ồ ạt vào TP.HCM bắt đầu từ tháng 5, tháng 6, nhất là ở các quận Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, Q.12. Đã vậy, năm nay lại là năm “heo vàng” đi học nên số trẻ tăng cơ học sẽ cao hơn rất nhiều.
Học sinh tăng, nhưng trường lớp thì không nở ra. Vì vậy đảm bảo cho mỗi trẻ có một chỗ học đúng tuyến đã là khó, huống hồ là trái tuyến.
Chỉ riêng Trường Mầm non Bến Thành, Q.1, năm học 2012-2013 phải tăng thêm một lớp Lá (5 tuổi) cho “heo vàng” có chỗ học. Lớp có hơn 50 bé, khi vào lớp 1 phải có khoảng 1,5 lớp 1. Điều đó có nghĩa, Q.1 phải có thêm ít nhất 2 phòng học để năm học 2013-2014, “heo vàng” có đủ chỗ học. Tuy nhiên, năm học tới, Q.1 không những không có thêm phòng học mới nào ở tiểu học mà còn bị giảm tới 6 phòng do Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đập dãy phòng học phía sau xây lại.
Như năm học 2012-2013, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phải từ chối nhận khoảng 10 học sinh vào lớp 1, mặc dù những em này đều có giấy gọi ra lớp của UBND phường Bến Nghé. Nguyên nhân là do phụ huynh chạy hộ khẩu cho con vào phường Bến Nghé để có cửa vào Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nhiên, do hộ khẩu chưa đủ thời gian một năm, trẻ lại không đi cùng cha mẹ, và quan trọng hơn là trường không còn chỗ để nhận nên những học sinh này đều phải qua các trường khác trong quận để học.
Còn tại các trường “điểm” có dạy tiếng Pháp như Trường Tiểu học Lương Định Của, Q.3; Trường Tiểu học Minh Đạo, Q.5, tuy là nhận học sinh toàn TP, không phân biệt đúng tuyến hay trái tuyến nhưng đâu dễ gì trúng tuyển. Bởi đề là do Bộ GD-ĐT ra, nội dung khảo sát tuy không đòi hỏi học sinh phải biết tiếng Pháp mà chỉ đơn giản là những trò chơi, những bức tranh để học sinh phát hiện các điểm khác biệt, hoặc tả lại. Về kỹ năng phát âm, các em sẽ lặp lại những câu, từ mà giáo viên vừa đọc… Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đã là khảo sát thì phải có em trúng, em trượt. Huống hồ, từ khi Sở GD-ĐT TP.HCM nghiêm cấm việc tuyển sinh trái tuyến ngoài quận, huyện thì các lớp tăng cường tiếng Pháp tại hai trường này như một “cánh cửa thần” để phụ huynh dẫn con vào trường điểm.
Từ thực tế trên cho thấy, cửa trái tuyến đã hẹp nay càng hẹp hơn nên phụ huynh không tốn công, phí sức chạy trường nữa.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 khẳng định: “Năm học 2013-2014, nhà trường chỉ nhận 6 lớp 1. Riêng trẻ trong tuyến thôi cũng đã đủ rồi, làm gì còn chỗ cho trẻ trái tuyến”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)