Người học luôn cân nhắc giữa chi phí với lợi ích đạt được, lựa chọn trường này hay trường kia, học trong hay ngoài nước, ĐH hay học nghề hoặc thậm chí không đi học… Nếu người học chưa tin tưởng chất lượng thì số lượng chọn học ĐH không thể tăng nhanh được.
Thí sinh trúng tuyển nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM năm 2022
Vấn đề này được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nêu ra tại buổi tọa đàm về thách thức và cơ hội với giáo dục ĐH diễn ra mới đây.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá, tỷ lệ người theo học ĐH (hay tỷ lệ nhập học vào ĐH) trong số người ở độ tuổi học ĐH (từ 18-23) ở nước ta rất thấp so với khu vực và thế giới. Quy mô đào tạo trung bình của mỗi trường hiện khoảng 6.000-7.000 sinh viên, con số này là rất thấp mặc dù số cơ sở giáo dục ĐH nhiều. Lý giải nguyên nhân, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, có 3 yếu tố quan trọng làm cho tỷ lệ học ĐH ở nước ta thấp. Thứ nhất, nhu cầu của nền kinh tế xã hội nước ta đối với nguồn nhân lực trình độ cao (từ ĐH, sau ĐH) cũng chưa được như các nước. Quy mô đào tạo ĐH đã thấp nhưng tỷ lệ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ còn thấp hơn rất nhiều lần. Thứ hai, năng lực đào tạo của hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam còn hạn chế bởi nguồn lực con người, cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính nên số lượng học ĐH cũng không thể tăng nhanh. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng thừa nhận, chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay chưa đồng đều, mặc dù đã có nhiều sự biến chuyển trong thời gian qua. Thứ ba, người học luôn cân nhắc giữa chi phí với lợi ích đạt được, lựa chọn trường này hay trường kia, học trong hay ngoài nước, ĐH hay học nghề hoặc thậm chí không đi học… “Nếu người học chưa tin tưởng chất lượng thì số lượng không thể tăng nhanh được”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
“Nhìn chung, nguồn lực để phát triển giáo dục ĐH ở nước ta chưa tương xứng với yêu cầu phát triển cả quy mô và chất lượng”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định. |
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, 3 yếu tố thị trường lao động, hệ thống cơ sở giáo dục ĐH và người học liên quan chặt chẽ với nhau. Nhưng nhìn chung, nguồn lực để phát triển giáo dục ĐH ở nước ta chưa tương xứng với yêu cầu phát triển cả quy mô và chất lượng.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2022, cả nước có 567.399 thí sinh trúng tuyển đợt 1 (đạt hơn 97% tổng chỉ tiêu). Trong tổng số thí sinh trúng tuyển, số lượng xác nhận nhập học là 464.000 (đạt khoảng 82%), cao hơn nhiều so với các năm gần đây. Đặc biệt, có tới 75% cơ sở đào tạo có tỷ lệ nhập học vượt 80%, trong khi chỉ có 6% cơ sở đào tạo có tỷ lệ nhập học dưới 50%. Điều này cho thấy tỷ lệ thí sinh ảo đã giảm rất nhiều. Đáng chú ý là tính trên toàn quốc, số thí sinh nữ trúng tuyển chiếm 55% trong khi số thí sinh nam chỉ là 45%; thậm chí có tỉnh, tỷ lệ này là 63%-37%. Trong tổng số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học, số thí sinh nữ còn chiếm tỷ lệ cao hơn, là 56%; trong khi số thí sinh nam là 44%.
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra con số trên 300.000 thí sinh năm nay không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH lên hệ thống. Theo Bộ GD-ĐT, số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH năm 2022 giảm khoảng 20% so với năm 2021 và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020. Nhưng điều cần lưu ý ở đây là số lượng đăng ký xét tuyển ĐH tăng mạnh ở năm 2021 có lý do quan trọng là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thí sinh không thể du học và nhiều em học phổ thông, học ĐH ở nước ngoài cũng đã trở về Việt Nam để học tập.
Việt Ngân
Bình luận (0)