Lượng ôtô nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một diễn biến không mấy bất ngờ, sau khi có hàng loạt thay đổi “bất lợi” về chính sách đối với ôtô nhập khẩu nói riêng và thị trường ôtô nói chung
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc các loại vào Việt Nam trong tháng 6 vừa qua chỉ đạt 1991 chiếc, giảm 18% so với một tháng trước đó, tương đương kim ngạch gần 48,7 triệu USD, giảm 9,3%.
Cộng dồn 6 tháng đầu năm nay, tổng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào nước ta đạt 13.978 chiếc, trị giá 285,97 triệu USD, giảm lần lượt 58,8% và 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về nguồn gốc xuất xứ, dẫn đầu thị trường ô tô nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm là xe từ Hàn Quốc, với số lượng hơn 6.000 chiếc, chiếm 43%. Kế đến lần lượt là xe nhập khẩu từ Thái Lan (2.309 chiếc), Trung Quốc (2.101 chiếc) và Ấn Độ (993 chiếc).
Kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô phục vụ hoạt động lắp ráp và sửa chữa trong nửa đầu năm nay cũng giảm 22% xuống chỉ còn gần 735 triệu USD.
Cũng theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, tổng nhập khẩu xe máy nguyên chiếc vào Việt Nam đạt 19.477 chiếc, tương đương kim ngạch 32,24 triệu USD, giảm 48,7% và 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu như những thay đổi về quy định đối với thủ tục nhập khẩu ô tô mới 100% và điều chỉnh cách tính thuế đối với ô tô cũ trong năm 2011 theo Thông tư 20 của Bộ Công thương và Quyết định 36 của Thủ tướng chính phủ tác động trực tiếp đến thị trường ô tô nhập khẩu, thì việc tăng mức thu phí trước bạ và phí đăng ký kèm biển số từ đầu năm 2012, cùng những thông tin về việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm đã khiến toàn thị trường ô tô – cả lắp ráp trong nước và nhập khẩu – lao đao.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) về lộ trình thu các loại phí nói trên, cho biết ít nhất cũng phải vài ba năm nữa mới triển khai. Đó được xem như sự trấn an tạm thời đối với các doanh nghiệp lắp ráp và kinh doanh ôtô, cũng như người tiêu dùng. Sự trấn an này, cùng với chính sách khuyến mại ồ ạt của các hãng, đang được kỳ vọng là động lực để thị trường ôtô trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nhật Minh
(Dân trí)
Bình luận (0)