Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhập nhằng sách tham khảo – Kỳ 1: Công nghệ “xào” sách

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tại nhiều nhà sách, các loại sách khác được dẹp vào trong nhường chỗ “bắt mắt” nhất cho sách ôn thi dành cho học sinh cuối cấp THPT. Chỉ riêng ở nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội đã có gần 30 đầu sách ôn tập cho đối tượng này.

Nhiều học sinh không thể không mua khi đứng trước bộ sách do ông vụ phó Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Hải Châu đứng tên – Ảnh: NHƯ HÙNG
Ông Nguyễn Hải Châu (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – Bộ GD-ĐT), với tư cách là tác giả viết bộ sách Chuẩn bị kiến thức ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng gồm tám cuốn, trong đó có bảy cuốn do ông chủ biên, một cuốn (sinh học) đứng tên đồng tác giả, cho biết ông tham gia viết bộ sách trên từ năm 2006.
“Sách vụ phó” hút hàng
“Đó là thời điểm chương trình – sách giáo khoa mới được triển khai đại trà, nhằm định hướng cho học sinh học, ôn thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên sau này Bộ GD-ĐT thấy học sinh không cần thiết sử dụng tài liệu này nên đã bỏ chủ trương phát hành (bộ sách)” – ông Châu nói.
GS Văn Như Cương, người tham gia viết phần hình học của sách toán trong bộ sách năm 2006, cũng nói: “Khi đó chúng tôi viết theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, nhưng sau đó một năm bộ bỏ chủ trương này, chúng tôi cũng thấy chỉ nên coi đó là một loại sách tham khảo thông thường. Tuy nhiên, những năm sau NXB Giáo Dục vẫn tái bản bộ sách và thay tựa cho có tính thời sự”.
Bộ sách Chuẩn bị kiến thức ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 là phiên bản của những bộ sách tái bản bốn năm qua, nội dung bộ sách này na ná bộ sách Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT 2010, có phần giống đến 80-90%. Mặc dù chính những người viết sách cho rằng “không cần thiết vào thời điểm hiện tại” nhưng với tên tác giả là người của bộ được câu ra trang bìa, sách đã bán chạy như tôm tươi.
Người bán sách tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội cho biết: do bộ sách này chưa phát hành trong trường nên nhiều học sinh, phụ huynh vẫn tìm mua tại nhà sách. Mấy hôm nay nhiều người hỏi mua nhưng nhà sách đã hết, đang hỏi để lấy tiếp. Những cuốn có tên ông Châu bán chạy nhất trong số hàng chục đầu sách tham khảo đang được nhà sách bày bán.
Tại nhà sách lớn nhất ở phố Tràng Tiền, Hà Nội, người bán sách cũng cho biết: những sách của tác giả Nguyễn Hải Châu đứng tên chỉ còn sách địa lý, hóa học, vật lý, tiếng Anh, mỗi môn vài cuốn. Đang chờ NXB chuyển tiếp.
Chất lượng… trời ơi!
Bạn Chu Ngọc Quang – học sinh Trường THPT Kim Liên, Hà Nội – bối rối: “Em thi khối A, nhưng riêng các cuốn sách tham khảo dạng đề thi trắc nghiệm mỗi môn đã vài chục cuốn rồi, chả biết chọn thế nào”. Ghé vào hiệu sách Thăng Long ở 53 Tràng Tiền, Hà Nội, chỉ tính riêng môn vật lý, với hình thức thi trắc nghiệm, chúng tôi tìm được… 16 cuốn có tựa đề hao hao: Hướng dẫn giải nhanh bài tập trắc nghiệm vật lý, Luyện giải trắc nghiệm vật lý, Bộ đề trắc nghiệm vật lý…
Gây ấn tượng nhất ở khu vực sách tham khảo môn ngữ văn lớp 12 là cuốn Chốt kiến thức ngữ văn trong chương trình THPT (phục vụ ôn thi tốt nghiệp THPT, ôn thi đại học, cao đẳng) của NXB Giáo Dục. Tác giả cuốn sách là chủ nhiệm khoa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam của một học viện đã mặc nhiên đặt mình vào vị trí được quyền “giới hạn”, “chốt”, khoanh vùng kiến thức ngữ văn lớp 12. Cách đặt tiêu đề tưởng hấp dẫn này lại bộc lộ sự thiếu tính văn phạm nghiêm túc của một cuốn sách dành cho học sinh phổ thông.
Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đại học, nhiều thầy cô vẫn phiền lòng khi nhắc đến những bài thi ngô nghê, thể hiện sự thiếu hụt trầm trọng về kiến thức. Song khi khảo sát qua một số cuốn sách tham khảo, không khó để tìm ra nhiều lỗi vụng về đến khó tin.
Trong cuốn Phân tích cấu trúc và giải đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng môn ngữ văn của NXB ĐHQG, ở phần phân tích “đặc sắc nghệ thuật” đoạn văn tả cảnh “mùa xuân về trên Hồng Ngài” trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, tác giả khẳng định các chi tiết nghệ thuật được tái hiện “bằng thứ ngôn ngữ đầy chất thơ và sự quan sát tinh tế” chính là “một dấu hiệu của tài năng tả cảnh ở Tô Hoài”.
Nhận xét này chỉ phù hợp khi đánh giá những cây bút trẻ, mới xuất hiện. Khẳng định đó là một “dấu hiệu tài năng” ở một nhà văn đã thành danh khiến Tô Hoài – nếu đọc – có lẽ cũng phải chạnh lòng.
Còn cuốn Hướng dẫn làm bài tập tự luận và cảm thụ văn thơ 12 của NXB ĐHQG Hà Nội, tác giả đã “gợi ý” cho thí sinh cách đưa trích dẫn: “Làng quê nào chả có giếng nước gốc đa, nơi người dân quê thường gặp gỡ hằng ngày cho nên “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” khiến câu thơ của Chính Hữu đột ngột trở nên… “khó hiểu”!
Trong khi đó, có những cuốn tựa đề khác nhau, một dành cho học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT, một dành cho học sinh chuẩn bị thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng nội dung bên trong lại giống nhau y chang.
Theo ông Lê Hồng Vũ, giáo viên dạy văn ở Hà Nội, nhiều cuốn sách tham khảo văn, kể cả những cuốn được xem là có “người của bộ viết” đều na ná nhau. Cùng một nội dung, xào xáo cho nhiều đầu sách.
Có những cuốn đề là “biên soạn” nên mặc nhiên cóp nhặt chỗ này chỗ kia mỗi thứ một ít, không ai kiện được chuyện “bản quyền”, còn học sinh cứ thấy mơi mới thì mua. Sa đà vào sách tham khảo không chỉ tốn tiền còn mất thời gian. Nhiều học sinh bị rơi vào đống kiến thức hỗn độn, bất lợi cho việc chuẩn bị kiến thức cần thiết cho kỳ thi.
VĨNH HÀ – NGỌC HÀ / TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)