Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhập siêu kỷ lục từ Trung Quốc do hàng giá rẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng hóa từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam trong năm qua, khiến kim ngạch nhập khẩu tăng vọt gần 110 tỉ USD, đẩy nhập siêu từ thị trường này lên mức kỷ lục, gần 54 tỉ USD.

Phụ thuộc ngày càng lớn

Số liệu vừa cập nhật từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm qua, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng 25,77 tỉ USD, tương đương tăng 30,5% so cùng kỳ, lên 109,87 tỉ USD. Trung Quốc chiếm hơn 33% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm vừa qua và cao gấp 2 lần so với thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 là Hàn Quốc.

Nhập siêu kỷ lục từ Trung Quốc do hàng giá rẻ - ảnh 1

Tăng xuất khẩu sang Trung Quốc là một trong những giải pháp giảm nhập siêu từ quốc gia này. NG.NGA

Đáng lưu ý, có tới 17 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm hàng trên 20 tỉ USD. Cụ thể, riêng nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng có kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt gần 25 tỉ USD, tăng hơn 46% so với năm trước, chiếm 53,8% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Nhóm hàng lớn thứ 2 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 21,86 tỉ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số nhóm hàng nhập khẩu lớn khác đến từ thị trường này như: điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,24 tỉ USD; vải hơn 9 tỉ USD. Đặc biệt, trong năm 2021, nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc tăng gấp 3 lần so năm trước với số lượng 22.750 chiếc.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam chỉ bằng một nửa, gần 56 tỉ USD, tăng 14,5% so với năm trước. Như vậy, năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 54 tỉ USD, nhiều hơn 18,8 tỉ USD so với năm 2020.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, thuộc Viện Thương mại và kinh tế (Đại học Kinh tế quốc dân), nhận xét nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh do Việt Nam cần nguyên phụ liệu sản xuất khi Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới trong việc cung cấp nguyên liệu cho toàn cầu. Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn trong tốp 5 của Trung Quốc, nên khó để nói không phụ thuộc. Chuyên gia này nói Mỹ cũng nhập siêu hơn 500 tỉ USD từ thị trường Trung Quốc và hiện Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa số 1 cho 61/220 thị trường thế giới. Vấn đề quan trọng nhất khiến cả thế giới phụ thuộc nhiều hàng hóa từ Trung Quốc do giá cả của họ rẻ, rất rẻ. Chẳng hạn, ngay bộ xét nghiệm Covid-19, nhập từ Trung Quốc theo số liệu của hải quan cung cấp chỉ 21.300 đồng/bộ, trong khi để nghiên cứu sản xuất trong nước, giá thành có thể cao gấp 2 – 3 lần.

“Lợi thế của Trung Quốc có quy mô sản xuất lớn, công suất cao, lực lượng lao động đông, chi phí lại thấp. Bên cạnh đó, họ có nền khoa học phát triển. Với thị trường Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc sang Việt Nam có chi phí logistics thấp hơn nhiều thị trường khác vì gần. Nhiều mặt hàng máy móc, phụ tùng, linh kiện từ Trung Quốc so với sản phẩm cùng loại từ các nước phát triển chỉ bằng 1/3 giá. Tuy nhiên, chất lượng có thể không tương xứng, nhưng trong khi chúng ta vẫn “đắm chìm” trong hàng giá rẻ thì nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng. Điều tất yếu này lại là nguy cơ phụ thuộc, “làm biếng” của một nền sản xuất”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng chia sẻ.

Học cách “đứng trên vai người khổng lồ”

Năm 2021, trong khi cả nước xuất siêu hơn 4 tỉ USD, thì với thị trường Trung Quốc, Việt Nam nhập siêu gần 54 tỉ USD. Trước đó, năm 2020, nhập siêu từ Trung Quốc là 35,2 tỉ USD, năm 2019 là 34 tỉ USD.

Nếu cứ tiếp tục tăng phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, Việt Nam dễ bị lạm phát nhập khẩu. Thậm chí tạo nên những cú sốc hàng hóa khi bị đứt gãy từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, với tính cách làm ăn nhanh nhạy và có nhiều phương án dự phòng của người Trung Quốc, tình trạng giảm xuất khẩu của họ chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Ông Nguyễn Thường Lạng cảnh báo trong tháng cuối năm, khi thị trường láng giềng siết thông quan hàng hóa theo đường mậu biên để chống Covid-19, hàng nông sản Việt Nam đã lao đao, tồn đọng 5.000 xe container. Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa từ thị trường này sang Việt Nam vẫn đổ sang ồ ạt. Điều này cho thấy việc đứt gãy chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đi các nước không kéo dài.

Thái Lan, Campuchia bán hàng mạnh sang Trung Quốc, vào sâu trong nội địa, trong khi VN cứ bán men men vùng biên giới. Chỉ có tăng xuất khẩu sang Trung Quốc mới giảm nhập siêu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Về giải pháp, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nêu 3 vấn đề. Thứ nhất, doanh nghiệp và ngành công thương cần nghiên cứu thị trường Trung Quốc sâu hơn, bài bản, chiến lược để khai thác thị trường này về dài hạn, không làm qua quýt, thời vụ, ăn xổi như hiện nay. Thứ 2, chưa đầu tư nghiên cứu sản phẩm cùng loại để giảm phụ thuộc trong dài hạn, chỉ chăm chăm mua rẻ để về sản xuất cho nhanh. Thứ 3, chưa có chiến lược thay thế dần sang các thị trường khác và tăng sự liên kết giữa các doanh nghiệp để khai thác tối ưu thị trường đó.

“Người Trung Quốc tiêu thụ mạnh lắm, vài ngàn xe container trái cây họ tiêu thụ tại 1 tỉnh vài ngày đã hết. Dân đông, sức mua mạnh, sao không vào sâu thị trường nội địa để bán hàng chất lượng cho họ, cứ bán giá rẻ tại vùng mậu biên. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là lợi thế để khai thác bán hàng sang đó, giảm nhập siêu”, ông Thường Lạng nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng: Cần học bài học “đứng trên vai người khổng lồ” để tồn tại và phát triển. Trung Quốc là thị trường lớn và có nhiều thay đổi trong tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu. Để giảm phụ thuộc nhập siêu từ quốc gia láng giềng này, trước mắt phải khai thác lợi thế của RCEP bằng cách nâng cấp chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ, bao bì, vệ sinh thực phẩm… Nếu nói thị trường khó tính, Trung Quốc chưa hẳn khó bằng các nước châu Âu, vì quy mô quá lớn. Nhưng phải khẳng định các yêu cầu của họ khắt khe hơn, thì hàng hóa của Việt Nam đã đến các thị trường khó tính, không lý do gì lại không đáp ứng được thị trường này.

Theo Nguyên Nga/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)