Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhập siêu tháng 6 có thể vượt 1 tỷ USD

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu xuất nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 6. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 6 đạt 2,95 tỷ USD, tăng khoảng 2,2% so với cùng kỳ tháng trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 3,486 tỷ USD, tăng tương ứng khoảng 3,4%.
Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/6, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt khoảng 29,09 tỷ USD; nhập khẩu đạt xấp xỉ 35,18 tỷ USD.
Do kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu, nhập siêu nửa đầu tháng 6 đã đạt 536 triệu USD, cao hơn khoảng 10% so với nhập siêu cùng kỳ tháng trước (so với 485 triệu USD).


Xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm mạnh trong nửa đầu tháng 6.

Như thường lệ, số liệu xuất nhập khẩu 15 ngày đầu tháng là cơ sở để Tổng cục Thống kê sử dụng làm đầu vào cho ước tính xuất nhập khẩu cả tháng.
Với diễn biến những tháng gần đây, xuất nhập khẩu thường thuận lợi hơn vào nửa cuối tháng. Có thể cho rằng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và nhập siêu tháng 6/2010 sẽ tăng tương ứng trên dưới 2 lần con số công bố của Tổng cục Hải quan. Thì nhập siêu tháng 6 có khả năng lại vượt 1 tỷ USD, sau khi đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm vào tháng 5/2010 (khoảng 867 triệu USD, theo Tổng cục Hải Quan).
Theo một số chuyên gia kinh tế được VnEconomy tham vấn, tình hình xuất nhập khẩu tháng 6 nhiều khả năng sẽ diễn biến kém thuận lợi hơn so với tháng trước đó.
Sự gia tăng đột biến của kim ngạch xuất nhập khẩu trong nửa cuối tháng 5 khó có thể duy trì tiếp trong tháng 6, dù vẫn được hỗ trợ bởi sự phục hồi khả quan của thị trường thế giới đối với sản phẩm của Việt Nam. Lý do chủ yếu là xuất khẩu vàng không giữ được “phong độ” như trước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm nửa đầu tháng 6 chỉ đạt gần 239 triệu USD, bằng khoảng 46% so với cùng kỳ tháng trước (so với 517 triệu USD).
Ngoài ra, các sản phẩm giảm mạnh về kim ngạch còn có phương tiện vận tải và phụ tùng giảm gần 40%; sắt thép các loại giảm khoảng 16%; gạo giảm khoảng 25%; xuất khẩu dầu thô giảm khoảng 3%…
Tuy nhiên, khá nhiều mặt hàng khác như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày đều tăng về kim ngạch so với cùng kỳ tháng trước. Đáng kể là các mặt hàng thủy sản, hạt điều, cà phê, chè… có mức tăng khá về kim ngạch.
Về phía nhập khẩu, các nhóm hàng máy móc, thiết bị, linh kiện có kim ngạch tăng khá cao, tuy nhiên các nhóm hàng nguyên liệu đầu vào sản xuất khác như bông, sơ sợi, vải, nguyên phụ liệu, sắt thép, hóa chất… đều giảm hơn về kim ngạch so với cùng kỳ tháng trước.

Theo VnEconomy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)