Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhập siêu thấp nhất 5 năm

Tạp Chí Giáo Dục

Theo tính toán của Bộ Công Thương nhập siêu cả năm chỉ khoảng 10 tỷ USD, tương đương 10,2%-10,4 % tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là năm có tỷ lệ nhập siêu thấp nhất kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007.

Năm 2011, dệt may xuất khẩu đạt giá trị lớn nhất (11 tháng đã đạt 12,8 tỷ USD). Ảnh : Hồng Vĩnh.

23 mặt hàng vượt ngưỡng 1 tỷ USD

Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, tình hình xuất khẩu một số mặt hàng trong những tuần cuối cùng của năm 2011 tiếp tục có những thuận lợi về thị trường và giá cả. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 87,2 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ.
Đã có 23 nhóm/mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 nhóm/mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD. Đứng đầu là hàng dệt may ước đạt 12,8 tỷ USD, dầu thô 6,7 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện khoảng 6,2 tỷ USD, giầy, dép các loại 5,7 tỷ USD, thủy sản ước đạt 5,5 tỷ USD.
Về nhập khẩu, tổng lượng nhập khẩu trong 11 tháng ước đạt gần 96,1 tỷ USD. Xét theo nhóm hàng, so với cùng kỳ, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 77 tỷ USD, tăng 23,3%. Kim ngạch của nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 7,2 tỷ USD trong khi kim ngạch của nhóm hàng cần hạn chế ước đạt 6,7 tỷ USD. Tính chung nhập siêu 11 tháng hơn 8,9 tỷ USD.
Đáng chú ý, tỷ lệ nhập siêu giảm khá mạnh ở những thị trường mà Việt Nam nhập nhiều hàng trong nhiều năm qua. Tỷ lệ nhập siêu từ khu vực ASEAN giảm còn 59%, Trung Quốc còn 126,6%, Hàn Quốc 167,5%, Đài Loan giảm còn 371,0%.
Đánh giá về tình hình nhập siêu, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là kết thúc năm 2011 và theo ước tính nhập siêu cả năm chỉ khoảng 10 tỷ USD, tương đương 10,2%-10,4 % tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là thành công rất lớn trong việc kiểm soát nhập siêu của nước ta trong năm nay.
Cảnh giác nhập siêu từ Trung Quốc
Theo TS Lê Đăng Doanh, để mổ xẻ vấn đề xuất khẩu của Việt Nam, phải nhìn nhận theo nhiều góc độ khác nhau. Phải thừa nhận, xuẩt khẩu của Việt Nam không hề bền vững do cơ cấu xuất khẩu chậm chuyển biến. Qua nhiều năm nhưng vẫn xuất khẩu các sản phẩm thô là chính. Các sản phẩm công nghiệp chỉ có dệt may, da giầy, hàng điện tử với giá trị gia tăng không nhiều trong khi sức ép cạnh tranh từ các nước khác trong khu vực như Indonesia, Bangladesh ngày càng gia tăng.
Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO, nhập siêu xấp xỉ 30% so với giá trị xuất khẩu; Năm 2008, nhập siêu 26,5% (18 tỷ USD); Năm 2009 nhập siêu 22,5% (12,9 tỷ USD); Năm 2010, nhập siêu 17,5% (12,6 tỷ USD); Năm 2011 dự kiến khoảng 10 tỷ USD (10,2%-10,4%).
“Chúng ta đang nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc. Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc là điển hình cho xuất nhập khẩu bất bình đẳng dẫn đến sự phụ thuộc. Nếu họ ngừng xuất khẩu nguyên phụ liệu vào Việt Nam thì các nhà máy sẽ lao đao. Chúng ta hội nhập nhưng là hội nhập thụ động chứ không chủ động do vẫn dựa quá nhiều vào đất đai, ưu đãi thuế để thu hút đầu tư” – Ông nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cho biết: “Năm nay Thủ tướng biểu dương ngành Công Thương có sự tăng trưởng xuất khẩu gấp hơn 3 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, năm 2012 sẽ rất khó khăn, không biết thị trường xuất khẩu có duy trì được như năm nay không. Ngoài ra, vấn đề khó khăn về kiểm soát giá cả dịp cuối năm và đầu năm 2012 cũng là yếu tố tác động đến xuất khẩu của năm 2012”.
Cũng theo ông Hoàng, nếu không tháo gỡ được vấn đề lãi suất cao thì việc đẩy mạnh xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn do doanh nghiệp đang rất thiếu vốn trong khi thị trường bị ảnh hưởng mạnh của suy thoái kinh tế ở các nước.
Phạm Tuyên
Theo Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)