Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhập viện vì đồ chơi trôi nổi

Tạp Chí Giáo Dục

Bé Nguyễn Chí Tú phải đeo kính để chống bụi sau phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt TP.HCM
Để lựa chọn một món đồ chơi phù hợp, an toàn với trẻ, các bậc phụ huynh nên đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Bởi thời gian gần đây, có nhiều vụ tai nạn từ việc sử dụng đồ chơi không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ.
Đồ chơi phát nổ
Bệnh viện Mắt TP.HCM đang điều trị cho bé Nguyễn Chí Tú (11 tuổi, quê ở Ninh Thuận), vì chơi một loại đồ chơi không rõ nguồn gốc đã bất ngờ phát nổ làm bé bị thương tật. BS. Phạm Nguyên Huân (Phó trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp) cho biết: “Bé Tú nhập viện từ ngày 7-9 trong tình trạng cụt đốt 3 ngón tay, rách giác mạc, vỡ nhãn cầu, dị vật nội nhãn và đục thủy tinh thể mắt phải do pin điều khiển từ chiếc ô tô đồ chơi phát nổ. Ngay sau khi nhập viện, bé Tú đã được vá nhãn cầu làm kín vết thương và chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM để điều trị các vết thương ở tay, sau đó quay trở lại tiếp tục điều trị mắt”. Gặp chúng tôi tại Khoa Mắt nhi Bệnh viện Mắt TP.HCM, anh Nguyễn Văn Tiến (bố Tú) ngậm ngùi tâm tư: “Sau khi quả pin phát nổ, nhìn thấy con đau đớn bởi các vết thương ở tay, ở mắt mà tôi xót xa. Hôm đó đúng vào ngày khai giảng năm học mới (ngày 5-9), trong khi chờ em út đi mua đồ ăn sáng thì Tú lấy đồ chơi là xe ô tô có chiếc điều khiển lắp pin ra chơi. Đang chơi bất ngờ cục pin ở trong điều khiển phát nổ. Tôi lập tức bế con đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh rồi 2 ngày sau thì xuống TP.HCM. Hai bố con lên đây được gần 1 tháng, cứ chạy ngược chạy xuôi từ Bệnh viện Nhi đồng 1 về Bệnh viện Mắt để điều trị vết thương ở tay và ở mắt”. Ngồi bên bố, bé Tú tiếp lời: “Em quý đồ chơi đó lắm nên cất ở trong tủ lâu lâu mới mang ra chơi một lần, em tiết kiệm được 115 ngàn đồng rồi nhờ anh trai mua giùm. Bây giờ mắt bên trái của em chỉ nhìn thấy mờ mờ”. BS. Huân cho biết thêm: “Trong tuần này, bệnh viện sẽ làm phẫu thuật lấy thủy tinh thể và dị vật nội nhãn ra cho bệnh nhi Tú, nhiều khả năng mắt phải sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng về thị lực”. Khi được hỏi về việc học tập của Tú, anh Tiến trầm buồn: “Năm nay chắc sẽ phải nghỉ học còn tương lai của bé ra sao thì tôi cũng không dám chắc”.
Trên thực tế các tai nạn từ đồ chơi không đảm bảo về chất lượng hay không rõ nguồn gốc không phải là hiếm gặp. Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng đã tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhi bị bắn đạn nhựa vào mắt gây tụ máu bầm, tổn thương đồng tử mắt. Nếu mắt tiếp xúc nhiều với những loại ánh sáng có cường độ lớn sẽ dẫn đến tình trạng bị bỏng võng mạc, có thể mù lòa.
Chọn đồ chơi phù hợp
Đừng ham rẻ
Các bậc phụ huynh nên quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đừng ham rẻ mà vô tình từ yêu con thành làm hại con. Khi mua sản phẩm cần chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, tên nhà sản xuất…
Các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc thường có mẫu mã đẹp, bắt mắt và hấp dẫn trẻ em bởi các tính năng rất thông minh của chúng. BS. Huân cho biết thêm: “Giá thành của những loại sản phẩm này thường rẻ hơn nhiều so với đồ chơi trong nước. Vì các doanh nghiệp trong nước khi tung ra thị trường bất kì một mẫu đồ chơi nào thường được Trung tâm Kiểm định đo lường chất lượng sản phẩm kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn mới được bán ra thị trường. Còn các loại đồ chơi trôi nổi thường đưa vào nước ta một cách ồ ạt, chưa có sự kiểm tra chặt chẽ, chỉ đến khi tai nạn xảy ra thì mọi người mới cảnh giác đó là việc làm sai lầm”.
Để tránh tai nạn ở trẻ, các bậc cha mẹ nên mua đồ chơi theo đúng độ tuổi được khuyến cáo. Nếu cho trẻ chơi các loại đồ chơi có sử dụng pin như ô tô, xe tăng, trống kèn, hay các loại búp bê biết nói, biết cười… thì nên thường xuyên lưu tâm đến trẻ khi chơi, nên mua loại có gắn vít ở chỗ lắp pin để trẻ không tự tháo lắp. Khi cho trẻ đồ chơi nên chú ý đến lời cảnh báo của nhà sản xuất, tuyệt đối không để trẻ ngậm, mút đồ chơi tránh bị nhiễm độc.
Bài, ảnh: Quế Thái
Bộ Nội vụ đã ra quyết định số 464/BNV ban hành danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm như: Các loại đồ chơi có hình dạng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn, các loại bật lửa có hình dạng quả lựu đạn, các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ… 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)