Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhập viện vì thói quen dùng tay đập kiến ba khoang

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì viêm da do kiến ba khoang tăng mạnh. Một trong những nguyên nhân mà ít ai ngờ tới là nhiều người có thói quen lấy tay đập chết côn trùng.

Nhập viện vì thói quen dùng tay đập kiến ba khoang - Ảnh 1.

Thói quen dùng tay giết kiến ba khoang đã gây tổn thương cho da

Theo các chuyên gia tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, gần đây số lượng bệnh nhân nhập viện khám, điều trị da liễu do tiếp xúc kiến ba khoang tăng mạnh. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca, tăng 20 – 30% so với những tháng trước đó. 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết nhiều bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt bị nhầm lẫn với viêm da do virus zona (giời leo) nên đã tự mua thuốc điều trị hoặc dùng các các loại lá cây, thuốc màu bôi vào vết thương khiến tổn thương càng sâu và loét rộng hơn. 

Cũng theo bác sĩ Thành, đáng nói là hầu hết bệnh nhân đến viện khám tổn thương da do tiếp xúc chất tiết của kiến ba khoang không phải do con vật này đốt mà vì mọi người có thói quen tự dùng tay trực tiếp giết kiến khi phát hiện thấy loại côn trùng này trong nhà. Thói quen này đã khiến chất tiết của con vật bám dính vào da và gây tổn thương. 

"Nhiều bệnh nhân cho biết họ chỉ nghĩ kiến ba khoang đốt mới gây ra những tổn thương cho da nhưng thực tế chất tiết trong kiến ba khoang là chất cực độc gây tổn thương cho da khi người bệnh vô tình lấy tay giết kiến hoặc kiến đậu vào theo phản ứng di con kiến khiến chất tiết trong thân nó chảy ra gây tổn thương cho vùng da. Dịch ở vết thương lan rộng ra chỗ nào gây tổn thương da chỗ đó" – bác sĩ Thành cảnh báo.

Nhập viện vì thói quen dùng tay đập kiến ba khoang - Ảnh 2.

Kiến ba khoang có chất độc trong người gấp 12 lần nọc độc của rắn hổ mang

Các bác sĩ cũng cho biết kiến ba khoang về cơ bản không đốt, chích hút mà nhựa từ thân con kiến có chất cực độc. Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa Pederin, có độc tính gấp 12-15 lần nọc độc của rắn hổ mang và chất này bị dính vào da khi con kiến dập nát sẽ gây phỏng cho da. Cảm giác lúc đầu là ngứa rát, phù nề và chỉ 2 – 3 ngày sau, vùng tổn thương đó tiếp tục lở, mụn nước mọc lên có mủ, lan rộng nếu dịch chảy ra vùng da lân cận.

Do đó, khi gặp kiến ba khoang ở nhà nên xua khỏi nhà, khi tiếp xúc nên đeo găng hoặc giấy lót kiến, tắt điện, kéo rèm che ánh sáng để kiến không vào nhà. Nếu không may bị chất tiết của kiến ba khoang dính vào da, cần vệ sinh sạch bằng xà phòng dịu nhẹ, bôi dưỡng ẩm và đến bệnh viện chuyên khoa da liễu thăm khám, không nên tự ý điều trị cũng như sử dụng các cách chữa truyền miệng như nhai gạo nếp đắp vào vết thương vì có thể khiến tình trạng viêm da càng nặng nề hơn.

Theo D.Thu/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)