Cảnh hoang tàn đổ nát ở Ona-gawa
|
Tổ chức Save the Children (Cứu giúp trẻ em) đã cảnh báo rằng, khoảng 100.000 trẻ em sẽ trở nên vô gia cư sau trận động đất và cơn sóng thần kinh hoàng đã tàn phá bờ biển phía đông bắc Nhật Bản.
Ông Stephen McDonald, người chịu trách nhiệm của Tổ chức Save the Children tại Nhật phát biểu: “Sau khi các thảm họa này xảy ra, rất nhiều trẻ em sẽ có nguy cơ bị chia cắt khỏi cha mẹ và gia đình của mình”. Tổ chức này dự tính sẽ quyên góp 5 triệu đô la Mỹ và hiện đã gửi nhiều nhóm người đến Nhật để hỗ trợ, trong đó có một nhóm hiện đang giúp đỡ tại thành phố bờ biển Sendai – một trong những khu vực bị hủy hoại nghiêm trọng nhất. Theo đó, các nhóm hỗ trợ này hình thành một mạng lưới tại nhiều nơi ở khu vực xảy ra thảm họa. Họ là những người tình nguyện được huấn luyện để cùng chơi với trẻ em. Mục tiêu của họ là hỗ trợ các vấn đề về tâm lý xã hội, hạn chế tối đa những cú sốc và stress cho trẻ em. Ngoài ra, họ còn thiết lập những khu vực thân thiện với trẻ em. Tại đây, các em có thể chơi cùng các trẻ khác và giáo viên (đã qua huấn luyện), điều này cho phép cha mẹ các em có nhiều thời gian hơn để tìm thức ăn, công việc, nơi ăn ở cũng như bạn bè và người thân trong gia đình.
Hiện nay, rất nhiều trẻ em ở khu vực xảy ra động đất và sóng thần phải ở tạm trong hơn 2.050 trung tâm sơ tán trong điều kiện không có điện và nước sạch. Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan hữu quan, cho thấy có đến 2,6 triệu gia đình không có điện, gần 3,2 triệu người không có nhiên liệu và 1,4 triệu người không có nước uống.
Ông Stephen McDonald chia sẻ: “Trẻ em tại Nhật đã sống sót qua một trận động đất kinh hoàng, một cơn sóng thần chết người và cả những đám cháy cũng như nỗi sợ hãi về các vụ nổ. Các em đang hoảng sợ, bị sốc và rất cần sự hỗ trợ. Nếu không có sự giúp đỡ về tài chính, chúng tôi không thể đến với các em nhanh như mong muốn”.
Em Suzunoskue Oka – 6 tuổi, đang ở nhà tại Onagawa khi cơn động đất xảy ra vào 2h46 chiều giờ địa phương – kể: “Cháu rất sợ và không biết điều gì đang xảy ra nên liền chạy đến bên cha”. Cha của em, ông Hirohiko, một nhạc công địa phương khi đó liền dẫn con và người vợ đang mang thai của mình chạy đến ngôi đền ở vùng đồi cao hơn. 20 phút sau, cả gia đình chứng kiến một cảnh tượng thảm khốc lúc một bức tường nước cao 10 mét đổ ập vào thung lũng. Em Suzunoskue mô tả lại: “Đó là một ngọn núi nước thật khổng lồ và nó ở ngay phía trên ngôi nhà của cháu. Mọi thứ đều mất hết. Nhưng sau đó lại có thêm một con sóng to khác, nó thậm chí còn cao hơn”. Hai con sóng liên tiếp tạo thành một con quái vật nước khổng lồ cao 20m nghiền nát gần như mọi căn nhà trong thung lũng.
“Những gì cháu thấy thật đáng sợ. Sau khi nước rút, gia đình cháu trở về nhà nhưng không còn gì cả. Cháu mất tất cả đồ chơi, trong đó có bộ hình và cả chú rồng mà cháu rất thích”, Suzunoskue Oka nói. Cũng giống như nhiều trẻ em khác ở Onagawa và Suzunoskue, lúc này đang ở tạm trong bệnh viện phía trên đồi. Cậu bé thút thít: “Cháu rất muốn được về nhà. Cháu muốn được tắm rửa và gặp các bạn của mình!”.
(theo savethechildren.org.au)
Ngọc Trúc
Số người chết tiếp tục gia tăng
Theo thông báo của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, tính đến ngày 19-3, đã có 7.197 người thiệt mạng do thảm họa động đất và sóng thần. Số người mất tích được xác định là 10.905 người. Cũng trong ngày 19-3, một trận động đất 6 độ richter lại vừa xảy ra ngoài khơi bờ biển phía đông đảo Honshu với tâm chấn ở độ sâu 10km, ở 39,7 độ bắc và 143,1 độ kinh đông. Theo thống kê của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, một tuần sau trận động đất kinh hoàng (ngày 11-3) đã xuất hiện hơn 260 dư chấn chủ yếu với cường độ 5-6 richter.
Trong một diễn biến khác, sau khi nâng mức cảnh báo tại khu vực xung quanh lò phản ứng hạt nhân Fukushima số 1 từ mức 4 lên mức 5, lần đầu tiên các quan chức Nhật cho biết đã tính đến khả năng chôn vùi nhà máy điện hạt nhân này để ngăn chặn nguy cơ phóng xạ lan rộng, giống như cách xử lý thảm họa Chernobyl năm 1986.
M.D
|
Bình luận (0)