Nhật Bản và ASEAN sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu nhằm thúc đẩy lưu thông dữ liệu tự do xuyên biên giới, giúp các doanh nghiệp có thể phân tích thị trường trong khu vực rộng hơn.
Tháng 8/2022, Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) kêu gọi thành lập một trung tâm đổi mới kỹ thuật số. Sáng kiến được Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lần đầu công bố tại diễn đàn Tương lai châu Á tổ chức hồi tháng 5 tại Tokyo.
Nhật Bản muốn thúc đẩy lưu thông dữ liệu tự do xuyên biên giới bằng cách hợp tác với ASEAN.
Đối với các doanh nghiệp, những thông tin như lịch sử mua sắm của khách hàng, thử nghiệm lâm sàng cho các loại thuốc mới, trạng thái dây chuyền sản xuất tại các nhà máy rất quan trọng khi phát triển sản phẩm và điều chỉnh kế hoạch tiếp thị. Dù vậy, mỗi nước lại có quy định khác nhau về cách dữ liệu được chuyển ra nước ngoài. Những khác biệt này cản trở hoạt động của công ty đa quốc gia.
Trung tâm đổi mới kỹ thuật số mới sẽ làm việc với các startup và cộng đồng doanh nghiệp tại Đông Nam Á để nghiên cứu và phát triển những cách thức giúp dữ liệu lưu thông xuyên biên giới dễ hơn. Chẳng hạn, các thử nghiệm có thể được tiến hành mà trong đó, các doanh nghiệp cùng chia sẻ dữ liệu về mua sắm nguyên liệu cho toàn bộ chuỗi cung ứng, từ linh kiện cho đến thành phẩm.
Quản lý dữ liệu chuỗi cung ứng tại trụ sở chính sẽ cho phép công ty đa quốc gia đối phó với tình huống bất ngờ dễ dàng hơn. Nếu một thảm họa xảy ra tại nơi tập trung nhiều nhà cung ứng, các nguồn lực thay thế cần phải được đảm bảo. Doanh nghiệp cũng nắm được các dữ liệu khác như phát thải khí nhà kính trong mỗi công đoạn hay quyền lợi của người lao động có được bảo đảm không.
Trung tâm có thể nghiên cứu công nghệ cho phép phân tích dữ liệu, bao gồm bí mật kinh doanh, thông tin cá nhân của người dùng, trong khi vẫn được mã hóa. Hiện nay, các dữ liệu như vậy cần phải được giải mã trước khi phân tích, vi phạm quy định tại một số nước.
Trung Quốc ưu tiên giữ dữ liệu trong nước, hạn chế doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc đưa dữ liệu ra ngoài. Thông tin và dữ liệu cá nhân liên quan đến an ninh quốc gia và kinh tế không được phép chuyển ra nước ngoài nếu không được cơ quan chức năng cho phép. Lập trường của Trung Quốc thúc đẩy Nhật Bản hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN trong lĩnh vực này. Những quy định như vậy có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế một khi trở thành tiêu chuẩn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trung tâm đổi mới kỹ thuật số sẽ hợp tác với một cơ quan quốc tế, dự kiến trực thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để giải quyết các vấn đề như tạo khuôn khổ để xác định quy định dữ liệu ở mỗi quốc gia. Hồi tháng 5, nhóm nước G7 đã đồng ý thành lập cơ quan này để tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu.
Dù vậy, ngay cả G7 cũng không hoàn toàn nhất trí với nhau về luồng dữ liệu. Châu Âu có truyền thống xem trọng việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Khi các bộ trưởng kỹ thuật số và công nghệ G7 gặp nhau trước hội nghị Hiroshima hồi tháng 4, một số nước ban đầu phản đối các vấn đề mà cơ quan mới sẽ xử lý. Dù đạt thỏa thuận, việc phản đối cho thấy những khó khăn khi tạo ra một lập trường chung.
Du Lam (theo vietnamnet)
Bình luận (0)