Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Nhật Bản: Các trường luật phải chú trọng chất hơn lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Đại học Luật Kyoto – một trong những ngôi trường luật danh giá nhất Nhật Bản đang thiếu hụt sinh viên

Để bảo đảm hệ thống pháp luật vận hành sao cho giữ được niềm tin của người dân, các thẩm phán, công tố viên và luật sư có năng lực phải được đào tạo đạt chuẩn. Một số trường luật ở Nhật sẽ phải bị đóng cửa nếu không thể hoàn thành nhiệm vụ đó.
Số lượng người nộp đơn xin vào 74 trường luật của nước này trong niên học 2009 giảm 25% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên số lượng ghi danh vào ngành học này giảm xuống dưới 30.000 người. Trong số đó, tỷ lệ tổng số người ghi danh với số người được trúng tuyển giảm xuống còn 2:1 tại 42 trường. Một trường luật chỉ có 5 người ghi danh mặc dù chỉ tiêu tuyển vào ban đầu được đặt ra là 30.
Tiến trình thi tuyển đầu vào các trường luật trong niên học 2010 không còn bao lâu nữa sẽ bước vào giai đoạn cao điểm, nhưng số người ứng tuyển vẫn thấp. Các trường luật ở Nhật từ năm 2004 đã được xem như những trụ cột để cải cách hệ thống pháp luật, nhưng có khả năng xảy ra một bước ngoặt sớm hơn dự kiến.
Tất cả các sinh viên tốt nghiệp trường luật ở Nhật đều đủ tư cách tham dự kỳ thi vào luật sư đoàn quốc gia để được cấp phép hành nghề. Lúc đầu tỷ lệ đậu được dự đoán đạt khoảng 70 đến 80% nhưng thực tế tỷ lệ thi đậu lại thua xa mức này. Theo các số liệu năm ngoái cho biết tỷ lệ này chỉ là 33%.
Rõ ràng có thể lý giải sự sụt giảm số lượng sinh viên nộp đơn vào các trường luật ở Nhật năm nay từ thực tế: Vào được trường luật không nhất thiết là có đủ năng luật hành nghề luật sư sau này.
Vòng luẩn quẩn
Các trường luật phải dạy cho các sinh viên những khái niệm cơ bản về nghề luật, cho họ một nền tảng vững chắc về lý thuyết và thực tiễn pháp luật, thay vì đặt nặng quá mức vào việc chuẩn bị cho kỳ thi chứng chỉ hành nghề luật.
Nếu các trường luật không thể thu hút được các ứng viên có chất lượng cao, họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những sinh viên có năng lực thấp. Trong những hoàn cảnh như vậy, các sinh viên với trình độ thấp sẽ không có đầy đủ kiến thức và các kỹ năng pháp lý để thi đậu vào luật sư đoàn, và điều đó tạo nên một cái vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại.
Hội đồng Giáo dục Trung ương Nhật Bản đã yêu cầu các trường luật có tỷ lệ người nộp đơn và người được tuyển giảm xuống 2:1 phải cắt giảm số lượng các sinh viên được tuyển. Cho đến nay, khoảng 50 trường luật đã quyết định cắt giảm chỉ tiêu đầu vào. Vì phải bảo đảm chất lượng đào tạo cho sinh viên, các trường này có lý do để làm như vậy.
Nguyên nhân sâu xa của cái vòng luẩn quẩn này là vì có quá nhiều trường luật ở nước này. Những sinh viên ghi danh dần dần có khuynh hướng tránh các trường luật không có thành tích tốt. Do vậy, một số trường luật sẽ khó lòng đạt chỉ tiêu tuyển sinh và buộc phải đóng cửa. Chính phủ Nhật sẽ tích cực đẩy mạnh việc tái cấu trúc và hợp nhất các trường luật.
Nâng chỉ tiêu tuyển luật sư
Chính phủ Nhật có kế hoạch tăng chỉ tiêu trúng tuyển vào luật sư đoàn từ khoảng 2.000 người vào năm 2008 lên 3.000 người vào năm 2010. Kế họach này sẽ được theo dõi chặt chẽ để giải quyết tình trạng phân bố luật sư không đồng đều trên cả nước, dẫn đến việc tập trung quá nhiều luật sư ở những khu vực thành thị, cũng như các vấn đề khác.
Muốn đạt chỉ tiêu đó thì phải chấm dứt tình trạng suy thoái chất lượng đầu vào của các trường luật. Mọi trường luật sẽ phải cung cấp các chương trình giảng dạy có chất lượng cho số ít sinh viên đã được tuyển chọn. Vào niên học 2011, một chương trình thi sơ khảo sẽ được áp dụng để bảo đảm cho cả những sinh viên không học trường luật vẫn có thể tham gia thi tuyển vào luật sư đoàn nếu họ vượt qua kỳ thi sơ khảo này. Nếu có một số lượng lớn sinh viên từ mọi ngành đào tạo tham gia kỳ thi sơ khảo đó, lý do thật sự để các trường luật tồn tại lại càng mơ hồ.
Ngân Du (theo Yomiuri Shimbun)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)