Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch giúp tăng cường kết nối giao thông ở Nam Á và Đông Nam Á bằng cách cải tạo đường giao thông hiện có và xây dựng các con đường mới.
Việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với các vùng bao gồm cả Ấn Độ và Myanmar, ra đời nhằm đối phó với các dự án do Trung Quốc triển khai nối miền Nam Trung Quốc và Nam Á bằng đường bộ và đường sắt.
Dự án của JICA sẽ góp phần tăng năng lực vận tải của hệ thống giao thông đường bộ ở Nam Á và Đông Nam Á. (Nguồn: indiatransportportal.com)
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cho hoạt động tài chính và xây dựng.
Cơ quan này sẽ mời các quan chức từ Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Myanmar, Nepal và Thái Lan tới New Delhi vào giữa tháng 1/2014 để thông báo với họ về kết quả khảo sát hiện trường.
Nhật Bản hy vọng sẽ khẳng định với Ấn Độ về kế hoạch tiến hành dự án xây dựng hệ thống đường giao thông vào tháng 1/2014 khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm nước này.
Các dự án của Nhật Bản được cho là sẽ giúp cải thiện kết nối giao thông giữa Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan trong khi tạo điều kiện giúp Bhutan và Nepal tiếp cận tốt hơn với các khu vực duyên hải.
Cơ sở hạ tầng lỗi thời và những hạn chế về hiệu quả và năng lực của mạng lưới vận tải đã trở thành rào cản cho thương mại giữa các quốc gia.
Nền kinh tế của Bangladesh, Ấn Độ và Myanmar sẽ được hưởng lợi từ các con đường mới trong khu vực nơi mà hạ tầng vận tải chưa phát triển hoặc kém hiệu quả.
Các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở những khu vực này cũng sẽ được hưởng lợi từ sự kết nối vận tải đường bộ tốt hơn, góp phần cải thiện các chuỗi cung ứng của họ.
Tuy nhiên, sự phát triển về cơ sở hạ tầng khó có thể cải thiện ngay lập tức kim ngạch thương mại giữa các quốc gia mà ở đó các vấn đề ngoại giao cần phải được giải quyết trước tiên.
Có thể thấy Bangladesh có hoạt động thương mại qua biên giới hạn chế với Ấn Độ và Myanmar do những hạn chế về mặt ngoại giao./.
Hữu Thắng/Tokyo
(Vietnam+)
Bình luận (0)