Nhật Bản vừa thử nghiệm thành công hệ thống tua-bin dưới đáy biển, chuyển đổi năng lượng từ các hải lưu sâu thành điện.
Được chế tạo bởi Tập đoàn IHI Corp, cỗ máy tên "Kairyu" nói trên giống như chiếc máy bay với 2 quạt tua-bin quay ngược chiều nhau, phần thân chứa hệ thống điều chỉnh độ nổi. Nguyên mẫu của cỗ máy nặng 330 tấn, được neo ở độ sâu 30-50 m dưới đáy biển.
Hệ thống được thử nghiệm tại vùng biển quanh quần đảo Tokara ở Tây Nam Nhật Bản trong 3 năm rưỡi, qua đó cho thấy nó có thể tạo ra công suất ổn định 100 KW. Công ty hiện có kế hoạch mở rộng quy mô hệ thống và đưa vào hoạt động thương mại trong những năm 2030.
Cỗ máy tên “Kairyu” do Tập đoàn IHI Corp chế tạo. Ảnh: IHI.CO.JP
Các tua-bin sẽ được đặt trong hải lưu Kuroshio – một trong những dòng biển mạnh nhất thế giới – dọc bờ biển phía Đông của Nhật Bản.
Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) ước tính hải lưu Kuroshio có thể tạo ra tới 200 gigawatt điện, tương đương 60% công suất phát điện hiện nay của Nhật Bản.
Nhật Bản hiện là nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 3 thế giới và đầu tư mạnh vào các trang trại điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, việc khai thác hải lưu có thể cung cấp nguồn điện bền vững hơn. Hải lưu có ưu điểm là ổn định, ít dao động về tốc độ và hướng, mang lại hệ số công suất là 50%-70%, so với khoảng 29% của điện gió và 15% đối với điện mặt trời.
Theo Anh Thư/NLĐO
Bình luận (0)