Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Nhật Bản “rung chuyển” vì hacker tấn công

Tạp Chí Giáo Dục

Nối gót Hoa Kỳ trong loạt tấn công điện toán nhằm vào các nhà thầu quân sự tại quốc gia Bắc Mỹ, đến lượt Nhật Bản cũng chứng kiến an ninh quốc gia bị đe dọa khi nhà thầu quân sự Mitsubishi Heavy bị tin tặc đột nhập hệ thống.

Sau Hoa Kỳ, nay đến lượt các nhà thầu quân sự Nhật cũng bị tin tặc tấn công. Ảnh minh họa: Mobiledia

Ngay sau đó, Bộ phòng vệ Nhật Bản đã yêu cầu một đợt điều tra toàn diện vào quy cách quản lý hệ thống điện toán bên trong Mitsubishi Heavy (Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi – một đối tác quan trọng cung cấp khí tài cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản), vì “tội” đã tìm cách ém nhẹm và không báo cáo vụ việc cho đến tận hôm 19-9 vừa qua.

Tập đoàn này sẽ đối mặt với khoản phạt lớn, nếu cuộc điều tra phát hiện ra bất cứ thông tin nhạy cảm nào đã bị tin tặc cuỗm mất, vốn là nghi vấn mà Mitsubishi Heavy đang ra sức phủ nhận.

Như vậy, cũng giống như Hoa Kỳ, vốn cách đây vài tháng đã chứng kiến cảnh nhà thầu quân sự Lockheed Martin bị một lực lượng tin tặc (hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc) tấn công, nay đến lượt Nhật Bản cũng phải đối mặt với làn sóng chiến tranh mạng nhằm thẳng vào hệ thống quốc phòng của mình.

“Bất cứ quốc gia nào cũng cần phải đánh giá nghiêm túc rủi ro lâu dài của những sự đe dọa như thế này, để có biện pháp đối phó thích hợp. Đây cũng là lý do tại sao an ninh mạng nhất thiết phải trở thành ưu tiên hàng đầu của nhà nước, trong mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, tập đoàn”, Karen Kelley, phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, phát biểu.

Nhật Bản cần nhanh chóng chỉnh đốn công tác an ninh quốc gia, khi cũng trong những ngày này, một nhà thầu quân sự khác, IHI Corp, trình báo với cảnh sát về việc nhân viên của mình liên tiếp nhận được nhiều thư điện tử đáng ngờ, vốn có thể là dấu hiệu mở đầu của một đợt tấn công tiếp theo.

Giới phân tích bình luận, Nhật Bản nên đưa vào thực thi một chính sách tương tự như SAFE Data Act (tạm dịch: Đạo luật An toàn dữ liệu) của đồng minh Mỹ, vốn được tạo ra sau sự cố xảy ra cho mạng PSN của Sony, có nhiệm vụ gây sức ép lên các công ty và doanh nghiệp để những nơi này gia cố và cải thiện hệ thống bảo mật, cũng như phải khai báo ngay tức thì nếu có sự cố đột nhập xảy ra. Điều này là cần thiết, bởi sau Sony, nhiều doanh nghiệp lớn khác trên đất Mỹ như Citibank cũng bị tin tặc đột nhập, và đều nỗ lực ém nhẹm sự việc cho đến khi mọi thứ vỡ lở.

Quay trở lại vụ Mitsubishi Heavy, báo giới cho biết hiện chính phủ Nhật đang gặp khó khăn trong công tác điều tra, bởi những phát hiện sơ bộ cho thấy, vụ hack đã được tiến hành trên 14 địa điểm ở nước ngoài, trong số đó đáng chú ý nhất là 20 máy chủ ở Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ và Ấn Độ.

THÚY QUỲNH (Theo TTO)

Bình luận (0)