Học sinh tại một trường THCS ở Nhật Bản có thể đặt ra nội quy riêng cho lớp học của mình ngoài nội quy nhà trường. Tuy nhiên, một số nội quy lớp khiến phụ huynh và học sinh bức xúc.
Một học sinh chia sẻ: "Nếu em quên mang đồ dùng cần thiết đến lớp nhiều lần thì sẽ không được dùng món ăn bổ sung (sau bữa chính) vào giờ nghỉ trưa và không được ra khỏi lớp vào giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học”.
Học sinh cho biết thêm, nếu em vi phạm nội quy lớp thì lớp trưởng sẽ báo cáo với giáo viên chủ nhiệm. Trong một số ngày học, vì vi phạm nội quy riêng của lớp, học sinh này không dám đi vệ sinh vào giờ ra chơi giữa các tiết học.
“Con cảm thấy áp lực, giống như mọi người trong lớp đang theo dõi lẫn nhau”, học sinh nói với người mẹ 48 tuổi của mình.
Học sinh ăn trưa tại lớp học ở Nhật Bản. REUTERS
"Đối với một gia đình khó khăn, món ăn bổ sung trong giờ trưa giúp tăng dinh dưỡng cho học sinh. Và một số học sinh cần phải đi vệ sinh vì vấn đề sức khỏe. Nội quy lớp như thế này có thể cản trở sự phát triển thể chất và tinh thần của học sinh và xâm phạm quyền trẻ em", người mẹ nói.
Đến năm học mới (khai giảng vào tháng 4.2024), cả hai nội quy lớp kể trên đã bị bãi bỏ. Trả lời phỏng vấn tờ Mainichi Shimbun, Hiệu phó nhà trường cho hay nhiều học sinh thường xuyên quên đồ và lớp học nghĩ rằng nội quy lớp sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, nội quy này là không phù hợp khi buộc học sinh không được nghỉ giải lao giữa tiết học, không thể đi vệ sinh.
Các nội quy khác trong lớp học kể trên vẫn được giữ nguyên như tổ trưởng phải kiểm tra và chỉ ra những khu vực học sinh chưa vệ sinh sạch sẽ.
Ban giám hiệu không nắm hết nội quy lớp
Hiệu phó cho rằng ban giám hiệu có những cuộc họp thảo luận với giáo viên chủ nhiệm về nội quy riêng cho lớp học.
Theo Hiệu phó nhà trường, mục tiêu của việc để cho học sinh tự xây dựng nội quy lớp là nhằm tăng cường ý thức tập thể và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Hiệu phó thừa nhận: “Một số ý tưởng của học sinh rất xuất sắc nhưng cũng có nội quy lớp không phù hợp. Các giáo viên chủ nhiệm sẽ xem xét kỹ hơn nội quy lớp”.
Giáo sư Ryo Uchida của ĐH Nagoya nhận định, trẻ em có thể đề xuất những nội quy vô lý và lẽ ra nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nên bác bỏ những đề xuất không phù hợp ngay từ đầu.
Trước đây, truyền thông Nhật Bản từng phản ánh những nội quy nhà trường phi lý đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Hồi năm 2022, gần 200 trường Nhật Bản tuyên bố hủy bỏ nội quy gây tranh cãi về màu tóc và đồ lót của học sinh. Sau đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản lưu ý nhà trường cần phải có sự đồng thuận từ phụ huynh, học sinh khi đưa ra nội quy. Bên cạnh đó, nhà trường phải tiếp thu ý kiến phản biện, đề xuất của phụ huynh và học sinh để điều chỉnh bổ sung hoặc điều chỉnh nội quy kịp thời.
Theo Phúc Duy/TNO
Bình luận (0)