Hội nhậpThế giới 24h

Nhật Bản và Ấn Độ: 2 bài toán dân số đối lập

Tạp Chí Giáo Dục

Chăm sóc người cao tuổi và vấn đề việc làm, thực phẩm là 2 bài toán lớn mà mọi quốc gia Châu Á, trong đó có Nhật Bản và Ấn Độ, đều phải đối mặt khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỉ người.
Ấn Độ đối mặt với thách thức khi dân số liên tục tăng nhanh.
Năm 2023 Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Cơ cấu dân số trẻ cao kỷ lục tạo ra vô vàn thách thức cho quốc gia này, từ xóa đói giảm nghèo đến giáo dục.
Theo Liên Hợp Quốc, dân số Ấn Độ đã tăng khoảng 11 triệu người trong một năm và chính thức chạm mốc 1,43 tỉ dân, chiếm 17% dân số toàn cầu nhưng chỉ sở hữu 2,4% diện tích đất và 4% tài nguyên nước của thế giới. Ấn Độ đang đứng trước những cơ hội và thách thức.
Dân số Ấn Độ tăng cao đòi hỏi chất lượng cuộc sống phải tương xứng.
Theo Ngân hàng Thế giới, trong 15 năm tới, Ấn Độ cần đầu tư 840 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng đô thị, đáp ứng điều kiện của dân số ngày càng tăng nhanh.
Những tổ chức phi chính phủ của nước này cũng cho biết, thanh niên Ấn Độ đang gặp phải nhiều thách thức phát triển khác nhau như tiếp cận giáo dục, tìm kiếm việc làm thu nhập cao, bất bình đẳng giới, tảo hôn, dịch vụ y tế và mang thai ở tuổi vị thành niên.
Các nhà kinh tế kỳ vọng, GDP của Ấn Độ sẽ tăng khoảng 7% vào năm 2023 – mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn.
Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 đã lắng xuống, Ấn Độ vẫn phải tiếp tục đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao – khoảng 8%.
Thanh niên Ấn Độ đứng trước nguy cơ thiếu việc làm.
“Số lượng người lao động được cung cấp cho thị trường nhiều hơn số lượng việc làm được tạo ra. Dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ đang tăng nhanh chóng mặt với tốc độ hơn 10 triệu người mỗi năm. Môi trường tại đây vẫn chưa phát triển đến mức có thể đáp ứng một cuộc sống chất lượng cho người dân”, chuyên gia kinh tế Shotaro Kumagai chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ấn Độ còn gặp phải thách thức sản xuất nông sản bị ảnh hưởng bởi thời tiết trong khi nhu cầu lương thực trong nước liên tục tăng cao. “Một khi nước này hạn chế xuất khẩu, các quốc gia khác cũng có thể gặp vấn đề lương thực”, Kumagai nói thêm.
Nhật Bản tiếp tục ghi nhận số người hơn 100 tuổi cao kỷ lục.
Thế giới chạm mốc 8 tỉ người cũng là lúc Nhật Bản phải tiếp tục tìm ra hướng giải quyết của “bài toán” già hoá dân số.
Theo số liệu mới nhất của Chính phủ Nhật Bản, số ca sinh tại xứ sở hoa anh đào đã giảm xuống 800.000 trong năm 2022. 
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Du lịch và Giao thông Nhật Bản cho biết có khoảng 3,49 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang vào năm 2018, tăng gấp đôi trong vòng 20 năm.
Sự già hoá dân số và đất đai bỏ trống có thể làm suy giảm cảnh quan tại Nhật Bản, mức độ ngăn chặn thảm hoạ và tội phạm kém dần, thậm chí nhiều vụ hoả hoạn cũng có thể xảy ra.
Năm 2022, Nhật Bản chỉ đón 800.000 trẻ sơ sinh.
“Nhật Bản đã thiết lập một hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn để ứng phó với xã hội già hóa. Tôi nghĩ các nước Châu Á có tỉ lệ sinh giảm và dân số già có thể hợp tác với nhau trong việc thiết lập một hệ thống an sinh xã hội ở cấp độ liên chính phủ” – chuyên gia kinh tế Kumagai đề xuất giải pháp giải quyết bài toán dân số tại Nhật Bản và toàn Châu Á.
Nhiều giải pháp giải quyết vấn đề dân số già đã được các chuyên gia kinh tế Nhật Bản đưa ra.
Khi dân số thế giới vượt mốc 8 tỉ người vào tháng 11.2022, Liên Hợp Quốc đã chia sẻ một đoạn video ngắn, giải thích tầm quan trọng của cột mốc mới. “Thế giới chạm mốc 8 tỉ người không phải là một thảm họa. Trên thực tế, đó là một thành công lớn trên toàn cầu. Nhiều người đang tồn tại, tuổi thọ tăng lên chứng minh vấn đề chăm sóc sức khỏe đã được cải thiện và dân số đang phát triển một cách tích cực”.
Dân số thế giới chạm mốc 8 tỉ người ảnh hưởng mạnh đến Châu Á.
Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cũng đưa ra cảnh báo, “dân số tăng cũng có thể trở thành thảm họa nếu các chính phủ không thể chuẩn bị cho những khả năng xấu có thể xảy ra trong vài thập kỷ tới”.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)