Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhật ký chiến sĩ: Mối tình 300 lá thư

Tạp Chí Giáo Dục

Một buổi chiều từ thao trường về tôi nhận được thư em. Tôi sung sướng bóc ra đọc. Đây là lá thư dài nhất trong gần 300 lá thư em viết cho tôi trước đó. Vẫn nét chữ thân quen nhưng đã nhạt nhòa lệ. 
Nhật ký chiến sĩ: Mối tình 300 lá thư
Chiến sĩ binh đoàn Tây Nguyên hành quân giữa mùa hoa cúc quỳ bung nở vàng rực cả núi rừng – Ảnh: Đ.P.

Tôi và em cùng sinh ra và lớn lên trên một miền quê yên ả. Mặc dù tôi lớn hơn em một tuổi nhưng chúng tôi học cùng một lớp, dưới một mái trường.

Tuổi thơ của chúng tôi gắn với những kỷ niệm nơi đồng quê lam lũ, nơi những người nông dân “một nắng hai sương”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng quanh năm.

Tôi và em cùng sống và lớn lên trong cảnh một củ khoai, củ sắn cũng chia nhau. Tôi luôn là người bảo vệ em trước những trò chơi tinh nghịch của “bọn trẻ chăn trâu”, của lũ “học trò nhất quỷ nhì ma”. Chúng tôi luôn ở bên nhau với những bài học khó, những bận rộn của mùa thi, những lúc vui, lúc buồn.

Cũng chính vì thế, chúng tôi đã quá quen thuộc và hiểu biết về nhau. Em coi tôi như một người anh trai và không ngần ngại tâm sự với tôi những chuyện riêng tư, những tâm sự thầm kín của tuổi con gái mới lớn. 

Tốt nghiệp trung học phổ thông tôi thi đậu vào Học viện Chính trị – quân sự (nay là Trường đại học Chính trị) và em cũng nhập học ở Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh.

Lần đầu tiên xa nhà, xa quê hương và xa em, tôi mới cảm nhận được nỗi nhớ em đến quay quắt và hiểu ra rằng tôi không thể sống thiếu em trong cuộc đời. Còn với em, những lá thư gửi cho tôi vẫn là một khoảng cách của một người em gái.

Trong lần nghỉ phép đầu tiên tôi về với bao dự định, nhưng khi gặp em lại không thực hiện được. Tôi không thể nói được với em những gì con tim tôi đang thổn thức, vì “trái tim tôi vốn hiền lành nhút nhát” và cả vì sự hồn nhiên trong em.

Thời gian cứ thế trôi đi, em trở thành cô giáo trường làng, còn tôi tốt nghiệp và nhận quyết định vào công tác ở Tây nguyên. Những ngày tháng trước khi tôi lên đường nhận nhiệm vụ, em ít nói, ít cười hơn và đôi mắt phảng phất những nét buồn xa xăm.

Hành trang lên đường của tôi là một balô con cóc và một món quà để tặng em trước lúc chia tay mà tôi đã chuẩn bị trong suốt năm năm làm lính sinh viên. Đó là ba cuốn nhật ký của tôi.

Tôi đã viết nó bằng những cảm xúc chân thực với những kỷ niệm vui buồn, vất vả, gian lao của người lính; những nỗi niềm thương nhớ em.

Những mong ước, khát vọng trong tương lai mà đáng lẽ tôi đã nói với em từ rất lâu rồi. Em tiễn tôi gần 20 cây số trên chiếc xe đạp cà tàng mà ngày nào chúng tôi vẫn chở nhau đi học. Trước lúc lên xe, tôi đã trao em món quà đó và dặn: “Em về đến nhà rồi mới được mở ra xem”.

Chỉ có vậy em đã òa khóc. “Anh đi mạnh giỏi. Khi nào nhận công tác xong, viết thư về liền nhé!”. Những ngày tháng sau đó tôi luôn thấp thỏm, chờ mong tin em.

Một buổi chiều từ thao trường về tôi nhận được thư em. Tôi sung sướng bóc ra đọc. Đây là lá thư dài nhất trong gần 300 lá thư em viết cho tôi trước đó. Vẫn nét chữ thân quen nhưng đã nhạt nhòa lệ.

Ngay đầu thư em đã viết: “Anh ác lắm! Em ghét anh! Em ghét anh nhiều lắm! Em đang khóc đây này! Anh là một kẻ ngốc! Việc gì anh cũng làm được, thế mà chỉ có một lời tỏ tình với một người con gái sao anh không dám nói, để rồi phải mang tâm sự trong suốt năm năm qua? Những ngày tháng bên anh là những ngày tháng em có niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn nhất."

"Ở bên anh em luôn thấy cuộc sống thật bình yên và như được anh che chở. Anh là món quà quý giá nhất mà cuộc đời đã ban tặng cho em. Từ rất lâu em đã biết em không thể sống thiếu anh được”.

Tôi đã run lên vì sung sướng. Từ đây tôi chắc chắn đời mình đã có một bến đậu bình yên, một điểm tựa tình yêu, một hậu phương vững chắc để tôi yên tâm phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành.

 

ĐAN PHƯỢNG (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)