Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhật ký cô giáo trẻ về trường

Tạp Chí Giáo Dục

Cô – trò Trường THCS Dương Bá Trạc (Q.8, TP.HCM) trong giờ học (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: A.Khôi

Một năm học mới đã thực sự bắt đầu! Với các cô cậu học trò, bài học được bắt đầu từ trang vở mới, từ những câu giảng đầu tiên của người thầy. Nhưng với các giáo viên trẻ về trường, bài học lại được bắt đầu từ chính những… đứa học trò với những kỷ niệm thấm đầy cảm xúc.
Ngày 5-8-2013
Hôm nay, mình chính thức về Trường THCS Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú, TP.HCM) để nhận nhiệm sở sau mấy năm trầy trật với công việc dạy thêm tại các trung tâm, thỉnh giảng trường trung cấp vì vấn đề hộ khẩu. Dù đã tự động viên mình phải thật bình tĩnh, nhưng mình vẫn không khỏi hồi hộp với cảm giác đi gặp “sếp” mới. Sáng, mình có mặt ở cổng trường, lưỡng lự mãi mà chẳng dám bước vào. Ngôi trường to và đẹp quá! Mùi sơn mới vẫn còn thoang thoảng như khẽ gọi mời mình bước vào ngôi trường mới. Tới nhận công tác hôm nay ngoài mình còn có một giáo viên nữa dạy tiếng Anh. Cô Hiệu trưởng trông thật hiền và dễ mến. Cô hỏi thăm hai đứa mình về gia cảnh, kinh nghiệm đứng lớp, những công việc đã từng làm trước đây. Phải lâu lắm rồi mới có người quan tâm, hỏi han tỉ mỉ như thế, mình chợt thấy vững dạ phần nào trước ngôi trường mới.
Rồi mình được phân công chủ nhiệm lớp 7. Nghe một số giáo viên bảo “lớp đó quậy lắm”, “lớp đó quậy nhất trường” mà mình không khỏi băn khoăn. Chưa từng có kinh nghiệm chủ nhiệm lớp, nay lại được phân công “gõ đầu” một đám “nhất quỷ, nhì ma”, thoáng chút băn khoăn và tự hỏi: Chẳng biết rồi có kham nổi không nữa?
Ngày 12-8-2013
Ngày hôm nay học trò chính thức nhập trường, cũng là ngày mình chính thức gặp lũ “tiểu yêu” 7/7. Sáng, mình dậy thật sớm, ngắm hết tủ quần áo để chọn ra một chiếc áo dài trông già dặn nhất để… “lấy le” với học trò. Vốn chẳng phải lần đầu tiên tới trường, nhưng sao mình vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, xao xuyến. Mình đã phải tới thật sớm để làm quen dần với không khí, hình ảnh những đứa học trò đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ấy thế mà khi bước vào lớp, chúng lại ồ lên, vỗ tay reo hò làm mình mất cả bình tĩnh. Phải mất đến mấy giây, mình mới yêu cầu lớp trật tự, bắt đầu giới thiệu, làm quen và triển khai công việc sinh hoạt đầu năm. Vừa nói chuyện, mình vừa quan sát lớp. Chao ôi! Sao mà lũ học trò của mình lại đáng yêu đến lạ. Dù chẳng được chải chuốt, áo quần phẳng phiu ra vẻ con nhà giàu như đám học trò lớp khác, nhưng nét ngây thơ phảng phất qua từng khuôn mặt, cử chỉ và ánh mắt của chúng khiến mình khẽ bồi hồi. Nó gợi nhớ về hình ảnh xa xưa ở một vùng quê Ninh Bình heo hút, cái thời mà còn phải chống chèo đi học. Ra khỏi nhà chỉ mặc cái quần cộc, còn cái quần dài thì quàng lên cổ, gần đến lớp mới dám mặc vì sợ ướt mưa… Ôi! Cái thời ấy đã xa, đã qua, tưởng như đã ngủ vùi trong ký ức thì nay lại được sống dậy qua hình ảnh của những đứa học trò nghèo.
Đang ngẩn ngơ trôi về dòng ký ức, chợt tiếng một em nhỏ vang lên “Thưa cô! Bạn M. chọc con”. Rồi liên tiếp suốt cả buổi sinh hoạt, mình lại bị lũ học trò tra tấn bởi những câu “méc” bắt đầu từ cụm từ “Thưa cô”: “Thưa cô bạn H. giành chỗ với con”, “Thưa cô bạn Q. đánh con”, “Thưa cô bạn K. nói chuyện trong lớp”… Từ trước tới giờ chỉ tiếp xúc với những HS lớn tuổi, chả mấy khi lên tiếng trong lớp học ngoài những lúc giơ tay phát biểu nên hành động của tụi nhỏ làm mình thấy ngạc nhiên và thú vị hết sức. Nhưng rồi mình cũng nhanh chóng lấy lại “phong độ” để bắt đầu từ công việc xếp chỗ ngồi, chia tổ, cho học trò ghi lý lịch trích ngang, phân công ban cán sự lớp… Buổi gặp gỡ đầu tiên qua đi cũng chẳng mấy căng thẳng vì mình để cho các em không khí thoải mái để chúng bộc lộ hết cảm xúc của mình. Có chăng là mình hơi khó chịu khi nhìn thấy cậu học trò tên H. với mái tóc húi trọc, chỉ chừa lại một chỏm tóc để dài trên đầu, quần áo cũng chẳng lấy gì làm sạch sẽ. So với bạn bè trong lớp, H. trông già dặn và tỏ vẻ ngỗ ngược, bất cần. Mình cũng chỉ… được đến thế, tự dặn sẽ lưu tâm nhiều hơn tới trường hợp này.
Tối về nhà, mình mới có thời gian để đọc lại những dòng lý lịch trích ngang của tụi học trò, rồi lại không khỏi giật mình khi thấy lớp mình sao mà nhiều đứa nghèo thế. Lớp có 43 học trò thì phụ huynh phần nhiều làm thợ may, có em mẹ giúp việc nhà, ba bán vé số, phụ hồ, tìm mỏi mắt mới thấy một phụ huynh làm viên chức cho một cơ quan nhỏ. Một số em ba mẹ ly dị, phải sống với ba/mẹ hoặc người thân. Cậu bé H. ngỗ ngược cũng bởi ba mẹ ly dị sớm, phải sống cùng một người bà đã già yếu, không còn đủ sức răn đe, dạy dỗ cháu… Rời những dòng lý lịch trích ngang của học trò, tim mình bỗng nghèn nghẹn một nỗi niềm khó tả.
Ngày 13-8-2013
Mình chính thức được trải nghiệm cảm giác của một người thầy dạy những cô cậu học trò “dở dở ương ương” (theo cách mình nghĩ) bậc THCS. Ngày hôm nay, mình dạy 4 tiết ở 3 lớp khác nhau, mỗi lớp đều cho mình một cảm hứng truyền thụ, một phương pháp tiếp cận bài học mới. Cũng là ngày mình thấy rõ áp lực của giáo viên khi đứng trước đám học trò lộn xộn như lớp mình chủ nhiệm. Các em giơ tay cao hết cỡ mỗi lần phát biểu, nói leo, nói cười “vô tội vạ” trong lớp học. Vừa dạy, mình vừa phải chỉnh đốn thái độ học tập, dặn dò và phân công, hướng dẫn từ cách trực nhật lớp. Dù quậy nhưng lớp mình lại tiếp thu và thực hiện ý kiến cô chủ nhiệm khá nghiêm túc. Có ai lại không vui khi có những đứa học trò biết… ngoan đúng lúc thế không nhỉ?
Ngày 19-8-2013
Vậy là mình đã đứng lớp được hơn 1 tuần. Cảm giác sao mà nhanh quá! Một tuần, mình như con thoi không biết mệt mỏi với việc dạy, quản lý lớp, đảm đương việc nhà, soạn giáo án. Hầu như ngày nào, mình cũng tranh thủ tạt qua lớp, ngó qua sổ đầu bài, hỏi thăm và dặn dò các em những điều cần thiết. Ấy vậy mà cuốn sổ đầu bài của lớp mình vẫn chi chít những lời phê của giáo viên bộ môn với những câu như “19 em không ghi bài”, “nhiều em không học bài”, “lớp mất trật tự”… Nhìn cuốn sổ mà mình chóng mặt. Mình bắt tất cả những HS vi phạm đứng dậy, tìm hiểu căn cơ, đe nẹt vài câu rồi dùng những câu chuyện, lời nói chân tình để nhắc nhở các em. Tuần đầu tiên vào học, mình cũng không muốn sự việc trở nên căng thẳng. Với lại, không khí lớp căng thẳng thì có gì hay cơ chứ. Trở về nhà sau 2 tiết sinh hoạt lớp, 2 tiết dạy, mình mệt rã rời…!
Ngày 22-8-2013
Mình nhận được một lá thư của học trò. Trong thư viết “Cô ơi! Cô hiền quá! Lớp mình quậy như vậy thì cô phải dữ lên chứ. Nhưng mà em thích như thế cô à! Em thích cách hỏi han, những lời khuyên chân tình từ cô, thích cách cô không la mắng học trò, thích cách cô giảng bài say sưa mà cuốn hút. À! Mà chữ của cô đẹp lắm đấy!”. Đọc thư xong mà mình lâng lâng suốt cả chặng đường về.
Ngày… 8-2013
Mình đứng lớp được bao nhiêu ngày rồi nhỉ? 2 tuần? Không, hình như hơn đấy. Hơn 2 tuần, mình đã học sử dụng ngôn từ, tác phong cho phù hợp với đối tượng HS THCS. 2 tuần, mình chẳng nhớ đã cho lớp “vay” bao nhiêu từ khoản tiền “không hoàn vốn” để mua sắm, trang trí vật dụng trong lớp. 2 tuần, thời gian chưa dài nhưng đủ để mình hiểu tính cách, hoàn cảnh của nhiều em trong lớp. Những trường hợp HS hay vi phạm, mình đã ghi chép lại cẩn thận để có định hướng làm việc với gia đình trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học. Nhất định, mình sẽ tạo mối gắn kết giữa phụ huynh với giáo viên và HS để họ quan tâm hơn tới việc học tập và thái độ sống của con mình. Còn nhiều dự định lắm, nhất định mình sẽ làm được. Những việc làm thiết thực xuất phát từ trái tim đầy nhiệt huyết và chân thành thì có mấy khi thất bại.
Trang nhật ký của mình sẽ còn dài, dài mãi theo từng chặng đường, từng dấu ấn trên bục giảng để mình vững bước trong sự nghiệp trồng người…!
Linh Vy (lược ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)