Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhật ký nghe khi học tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên cần phải tăng cường tự học kỹ năng nghe (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: N.Anh

Theo ý kiến đánh giá của hầu hết sinh viên (SV), trong các kỹ năng học tiếng Anh như nghe, nói, đọc, viết thì nghe là một trong những kỹ năng khó khăn nhất khi học ngoại ngữ. Điều đó không hề sai.

Nguyên nhân trước hết của vấn đề này là do SV đã không biết tận dụng và dành nhiều thời gian luyện tập kỹ năng này bên ngoài lớp học, trong khi đó thời gian thực hành nghe trong lớp học khá hạn chế vì không đủ thời gian để các em thực hành. Thực tế đã chứng minh những ai có khả năng nghe tốt là do được luyện tập nhiều trong thời gian ở nhà, lên thư viện và cả lúc đi chơi. Ngoài ra SV thường vẫn không có một kế hoạch của riêng bản thân để luyện tập nghe qua máy hoặc trao đổi trực tiếp với người bản ngữ. Đồng thời chưa sử dụng một số lượng lớn nguồn tài liệu rẻ tiền và tiện ích trên mạng để cải thiện kỹ năng này. Vì thế tính tự học của người học chưa được khơi dậy.

Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu hướng đến phát triển tính tự học của người học nói chung cũng như tăng cường tự học kỹ năng nghe nói riêng. Họ tin rằng ngay cả việc thực hành nghe nói qua điện thoại di động là cách tốt để học tiếng Anh và cũng thực sự giúp người học phát triển tính tự học của mình.

Theo các kết quả nghiên cứu, Nhật ký nghe đã giúp SV tìm thấy nhiều thời gian để luyện tập kỹ năng nghe. Nhờ vậy mà các em từng bước xây dựng được thói quen tự học của bản thân về thực hành kỹ năng nghe. Bên cạnh đó, Nhật ký nghe sẽ giúp thái độ của người học tích cực và chủ động hơn. 90% SV khẳng định rằng vốn từ vựng của mình được nâng lên qua Nhật ký nghe. Do có thói quen tốt về việc tra các từ mới trong từ điển, SV đã ghi lại ý nghĩa, cách sử dụng và cách phiên âm trong quá trình nghe. Thậm chí các em còn phát hiện được một số từ có thông tin sai trước đó mà mình không hề hay biết. Nhờ thế mà kiến thức cơ bản của SV cũng được mở rộng khi các em cố gắng để làm việc với các loại tài liệu khác nhau.

Một số kết quả bất ngờ khác là các SV còn có được kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng sử dụng máy tính, kích thích bộ nhớ và sự kiên nhẫn, thư giãn với những bài hát hoặc thể hiện mình trong cuốn nhật ký. Rõ ràng duy trì Nhật ký nghe thực sự thúc đẩy các SV cố gắng hết sức trong việc thực hành tiếng Anh. Nhiều SV cũng cho rằng, Nhật ký nghe giúp mình nâng cao kỹ năng nghe vì muốn đọc và nói thì phải hiểu được ý nghĩa những từ mới. Thế nhưng rất ít SV làm được điều này.

Thực tế đã chứng minh những ai có khả năng nghe tốt là do được luyện tập nhiều trong thời gian ở nhà, lên thư viện và cả lúc đi chơi.

Điều đáng buồn là hiện nay một số SV còn cảm thấy chán nản, lười biếng nên không chịu khó dành nhiều thời gian cho việc ghi chép các từ mới và các hoạt động nghe tương tự. Dù không phủ nhận kết quả của Nhật ký nghe nhưng các em vẫn thấy làm như thế là tốn quá nhiều thời gian. Thực tế cho thấy SV vẫn chưa có kinh nghiệm trong việc tự học, quản lý thời gian và chưa biết làm thế nào để đối phó với ngôn ngữ mới. Hơn ai hết SV cần có một động lực mạnh mẽ trong việc ưu tiên thói quen tự học của mình chứ không phải chờ đến tác động của người thầy. Và cũng hơn ai hết, giảng viên phải là người thật sự quan tâm và khuyến khích SV ghi chép và thực hành Nhật ký nghe. Giảng viên có thể giúp SV của mình qua nhiều lời động viên khuyến khích và cảm hứng bằng cách giới thiệu cho người học những phương pháp tối ưu hoặc tài liệu thích hợp để các em tự học thông qua Nhật ký nghe.

Nhóm GV Khoa Ngoại ngữ (Trường ĐH Sài Gòn)

Công cụ tăng cường tính tự học của người học

Có thể khẳng định, Nhật ký nghe còn là một công cụ hiệu quả trong việc khuyến khích và tăng cường tính tự học của người học. Theo đó, SV tìm được cơ hội để việc học của mình phù hợp với phong cách, thời gian và trình độ của bản thân. Ít nhiều, SV sẽ thành công hơn trong việc xây dựng thói quen tự học để từ đó cải thiện kỹ năng nghe hàng ngày. Bên cạnh đó, Nhật ký nghe thực sự là một công cụ hữu ích như là một kênh giao tiếp làm cầu nối ngôn ngữ giữa giảng viên (GV) và SV. Thông qua Nhật ký nghe, SV có cơ hội để phản ánh phương pháp học tập của mình, phản ánh kịp thời các khó khăn hiện tại một cách chi tiết. Có như vậy mới dễ dàng giúp GV đưa ra các giải pháp tốt nhất cho người học. Ngoài ra, thông qua Nhật ký nghe, GV hiểu được SV hơn về trình độ, thái độ, phong cách học tập để có cách điều chỉnh về phương pháp giảng dạy, tài liệu nghe trong lớp học hoặc các loại hoạt động nghe… Cần lưu ý, cách tốt nhất là Nhật ký nghe chỉ nên được áp dụng cho các lớp học nhỏ khoảng 20-25 SV. Đối với lớp đông, GV có thể thực hiện dự án này với SV yếu như là một cách tích cực để khuyến khích các em chú ý hơn đến kỹ năng nghe. 

 

Bình luận (0)