Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe “kỷ niệm” một năm ngày tái đắc cử bằng chuyến thăm ngôi đền Yasukuni
Thủ tướng Abe trấn an chuyến thăm đền sáng 26-12 là sự cam kết rằng Nhật Bản sẽ không gây chiến tranh một lần nữa chứ không hề có ý làm tổn thương Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
“Tôi biết vì hiểu lầm mà một số người chỉ trích chuyến thăm đền Yasukuni là hành động sùng bái tội phạm chiến tranh. Nhưng tôi thực hiện chuyến thăm là để cam kết tạo ra một thời đại mà mọi người sẽ không bao giờ đối mặt thảm họa chiến tranh” – ông Abe nói. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định chuyến thăm của ông Abe là chuyện riêng và xuất phát từ trái tim con người, không phải là vấn đề chính trị hoặc ngoại giao.
Bỏ ngoài tai lời giải thích từ Tokyo, Trung Quốc và Hàn Quốc nhanh chóng lên án. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khẳng định người dân nước này hoàn toàn không thể chấp nhận chuyến đi của ông Abe. Ông Tần cho rằng hành động thăm đền Yasukuni nhằm tôn vinh “lịch sử xâm lược quân sự” của Nhật Bản.
Thủ tướng Shinzo Abe (thứ hai, từ trái qua) bước vào đền YasukuniẢnh: REUTERS
Hãng tin Reuters nhận định quan hệ kinh tế Trung – Nhật ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng khi mới được cải thiện phần nào kể từ cuộc tranh cãi chủ quyền biển đảo hồi năm ngoái. Một bài bình luận đăng trên Tân Hoa Xã viết: “Chọn một thời điểm nhạy cảm để đến thăm một nơi gây nhiều tranh cãi, rõ ràng ông Abe hoàn toàn nhận thức được những gì ông đang làm cũng như hậu quả. Trái ngược với cam kết chống chiến tranh của ông, chuyến thăm này là một sự khiêu khích”.
Hàn Quốc tức giận không kém. “Đây là một hành động lỗi thời, phương hại không chỉ cho mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản mà còn gây bất ổn cho sự hợp tác ở Đông Bắc Á” – Bộ trưởng Văn hóa Yoo Jin-ryong nói.
Ngay cả Mỹ cũng tỏ ra thất vọng: “Nhật Bản là một đồng minh quan trọng và là bạn bè. Tuy nhiên, Mỹ thất vọng khi lãnh đạo của Nhật Bản thực hiện một hành động biết chắc sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng với các nước láng giềng”.
Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm có thể làm tổn thương mối quan hệ Tokyo – Washington. “Động thái này sẽ ảnh hưởng đến việc Mỹ thúc đẩy Nhật Bản cải thiện quan hệ với láng giềng châu Á. Chuyến thăm dường như đánh tiếng chính sách kinh tế của ông Abe chỉ là chiêu bài che giấu chính sách dân tộc chủ nghĩa” – ông Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Trường ĐH Sophia ở Tokyo, nhận xét.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Fumio Kishida thông báo Nhật và Nga sẽ tổ chức cuộc đàm phán về lãnh thổ tại thủ đô Tokyo vào ngày 31-1-2014. Cuộc đàm phán diễn ra sau khi 2 bên gặp nhau hồi tháng 8-2012 nhằm giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril hiện do Moscow kiểm soát.
Nhật cấm dùng ứng dụng Trung Quốc
Nhật Bản ngày 26-12 cảnh báo tất cả cơ quan trực thuộc chính phủ không chuẩn bị tài liệu mật bằng ứng dụng chỉnh sửa phương thức nhập (IME) tiếng Nhật của Công ty Baidu (Trung Quốc).
Theo hãng tin Kyodo, Trung tâm An ninh Thông tin Quốc gia Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo này sau khi xuất hiện ứng dụng trên – cho phép người sử dụng máy tính nhập các ký tự và ký hiệu. Toàn bộ nội dung văn bản và thông tin máy tính của người sử dụng ứng dụng này có thể gởi đến các máy chủ Baidu ở Nhật mà không cần xin phép.
Theo NLĐ
Bình luận (0)