Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 7, kim ngạch nhập khẩu sắt thép phế liệu tăng vọt hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu sắt thép phế liệu trong 7 tháng đầu năm nay đạt 1,8 tỉ USD. ẢNH: NG.NGA
Cụ thể, tính hết tháng 7.2021, nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước đạt hơn 4,1 triệu tấn với trị giá gần 1,8 tỉ USD, tăng 32,5% về lượng và tăng 2,2 lần về kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, riêng tháng 7, nhập khẩu phế liệu sắt thép các loại đạt hơn 704.000 tấn với giá trị hơn 332,5 triệu USD, mức giá không biến động so với tháng 6.
Giá nhập khẩu phế liệu sắt thép trung bình là 472 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn so với tháng 6. Tính chung 7 tháng, giá nhập khẩu phế liệu thép trung bình 420 USD/tấn, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện Việt Nam đang nhập khẩu phế liệu sắt thép nhiều nhất từ thị trường Nhật Bản với số lượng 1,6 triệu tấn, tương đương 736 triệu USD, giảm 9% về lượng, nhưng tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Nhật Bản cũng là thị trường đang chiếm gần 42% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước trong 7 tháng qua.
Thị trường nhập khẩu phế liệu sắt thép lớn thứ 2 là Mỹ với 1 triệu tấn, tương đương 460 triệu USD, tăng 2,5 lần về lượng, tăng 4,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Phế liệu sắt thép từ Mỹ hiện chiếm 26% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.
Thị trường lớn thứ 3 là Úc với 350.000 tấn, tương đương gần 161 triệu USD, tăng gấp đôi về lượng, tăng gần 3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 9% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.
Thứ 4 là thị trường Hồng Kông đạt 293.000 tấn, tương đương gần 130 triệu USD, tăng mạnh 18% về lượng, tăng gấp đôi về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 7% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.
Cũng trong tháng 7, giá phế liệu nội địa tăng từ 300 – 400 đồng/kg, lên mức 10.400 – 11.000 đồng/kg. Giá phế liệu sắt thép nhập khẩu giảm 5 USD/tấn giữ mức 503 USD/tấn cuối tháng 6.
Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị 10 về việc tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước. Trong đó, Bộ yêu cầu Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sắt thép, quặng sắt phải rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Kết quả rà soát, báo cáo về Bộ trước ngày 30.8 tới.
Theo Nguyên Nga/TNO
Bình luận (0)