Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhạt nhòa nhạc trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Đã qua rồi thời nhạc trẻ – ca khúc mới liên tục ra đời, ào ạt như vũ bão, bất kể hay – dở, chiếm lĩnh và bành trướng thị trường. Sự bão hòa của nhạc trẻ cùng với hàng loạt những sản phẩm âm nhạc vô bổ bị tẩy chay, chết yểu ngay cả khi vừa ra mắt công chúng, đã cho thấy thực trạng phát triển nhạt nhòa, thiếu dấu ấn của các sáng tác mới.
Những ca khúc truyền thống cách mạng luôn tạo nên nhiều cảm xúc cho người nghe và sống mãi với thời gian.
Thiếu quan tâm ca từ
Từ thực tế, các ca khúc với ca từ nhạt nhẽo, ngô nghê, giai điệu nghèo nàn… đã giảm nhiều so với thời gian trước đây. Xu hướng sử dụng các ca khúc cũ ngày càng nhiều trong các chương trình âm nhạc cũng là nguyên nhân khiến các sáng tác mới co cụm lại, bớt tung hoành thị trường trong nước. Mặt khác, quy luật phát triển tự nhiên của đời sống văn hóa – xã hội đã quyết định sự sống còn của hàng loạt tác phẩm âm nhạc. Mà chất lượng tác phẩm âm nhạc không chỉ là giai điệu phù hợp quan điểm thưởng thức nghệ thuật hiện đại của công chúng, được hòa âm phối khí tươi – mới – lạ, quan trọng hơn hết chính là nội dung, ca từ, tư tưởng thẩm mỹ và tính nghệ thuật của tác phẩm. Có thể khẳng định, chính chất thơ – văn, sự bay bổng, ý tứ độc đáo của ca khúc mới giúp người nghe dễ cảm nhận, tác phẩm dễ đi vào lòng người và tồn tại được với thời gian.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Từ những bài nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn đến thời của tôi, ca từ luôn mang đậm chất thơ. Một số anh em như nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên thì sáng tác nhạc dựa trên cảm hứng từ các truyện ngắn của các nhà văn Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức. Nhưng sau này, ca từ của các anh em trẻ sử dụng là dạng văn phóng sự, văn nói, mang tính chất thoại nhiều hơn tả tình, tả cảnh. Khi sáng tác, các nhạc sĩ trẻ (đa số xuất thân từ nhạc công keyboard) chưa chú ý lắm đến ca từ, ý tưởng, chỉ chú ý đến giai điệu, hòa âm, tiết tấu, sự mới lạ.

Với người làm nghề, nếu không biết chọn từ ngữ để giai điệu thêm đẹp, cách hành văn cụt ngủn thì sáng tác thật sự không thể nghe được và nhạc thiếu mất sự bổng trầm cần thiết. Hơn thế nữa, mình là người Việt, sáng tác bài hát tiếng Việt, thì phải làm sao để khán giả nghe và hiểu được mình muốn nói nội dung gì trong bài hát…”.

Nhạc sĩ trẻ ngày nay cũng dần ít đi. Tình trạng nghiệp dư hóa trong sáng tác và sự lai căng, bắt chước âm nhạc Hoa, Hàn, Nhật… của nhiều nhạc sĩ trẻ, ca sĩ thích sáng tác, đã góp phần khiến chất lượng nhạc trẻ kém chất.

Tỉnh táo khi thưởng thức

Bộ ba “nhạc sĩ – ca sĩ – khán giả” là nhân tố chính góp phần to lớn trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị âm nhạc nghệ thuật truyền thống dân tộc, đồng thời thúc đẩy âm nhạc hiện đại hoạt động hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống xã hội. Thế nên, để âm nhạc Việt phát triển đúng định hướng luôn đòi hỏi sự đồng điệu của cả ba lực lượng này. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý văn hóa cũng cần siết chặt quản lý từ các khâu thẩm định, kiểm duyệt, cũng như có biện pháp cụ thể ngăn chặn và xử lý các tác phẩm kém chất. 

Đặc biệt, nhạc sĩ trẻ chính là lực lượng kế tục sự nghiệp của các thế hệ đàn anh đi trước, là nhân tố quan trọng trong quá trình sáng tác tác phẩm phục vụ xã hội, nên cần thiết phải được bồi dưỡng trong hoạt động sáng tạo âm nhạc. Bản thân các nhạc sĩ trẻ, tác giả mới cũng cần nhận thức rõ vai trò vị trí của mình trong sự nghiệp giữ gìn và phát huy các giá trị âm nhạc để cho ra đời những tác phẩm có giá trị.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung chia sẻ: “Tôi vẫn có niềm tin lạc quan vào lớp trẻ – những người rất “máu” khi làm nghề, hoạt động âm nhạc. Hy vọng các sáng tác trẻ phải từ từ biết điều chỉnh mình để tác phẩm có chất lượng ngày càng tốt hơn, có thể tồn tại được trong lòng công chúng. Ngay cả các ca sĩ trẻ cũng phải tự điều chỉnh mình trong hoạt động biểu diễn, để dần trở thành một người nghệ sĩ đẹp trong lòng công chúng. Quan trọng hơn nữa là đối tượng khán giả cũng phải tỉnh táo nhận biết rằng tác phẩm nào hay để mình học, mình hát, ca sĩ nào hay để làm thần tượng và chương trình nào hay để thưởng thức”.

 Theo SGGP

Bình luận (0)