Cách ra đề thi môn ngữ văn năm nay đúng hướng với những gì mà Bộ GD-ĐT đã công bố về đổi mới cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và GDTX: Tích hợp, thời sự, và phù hợp với thời gian làm bài là 120 phút… Thứ nhất, về cấu trúc câu hỏi, thay vì trước đây được tính theo thang điểm: Câu 1 (gọi là câu hỏi tái hiện kiến thức): 2 điểm; câu 2 (gọi là câu nghị luận xã hội): 3 điểm; câu 3 (nghị luận văn học): 5 điểm, thì năm nay chỉ rút gọn còn hai câu (hai phần), với thang điểm: Câu đọc hiểu (không viết gạch nối): 3 điểm và câu làm văn: 7 điểm. Thứ hai, về sự tích hợp kiến thức, có thể nói, cả hai câu đều có sự tích hợp kiến thức giữa nghị luận văn học (NLVH) và nghị luận xã hội (NLXH). Chẳng hạn, câu làm văn của đề thi hệ THPT khi yêu cầu: “Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích trên” (là NLVH), và phần yêu cầu tiếp theo là: “Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Con người cần được sống là chính mình” (là NLXH). Hoặc như đề thi hệ GDTX, ở câu làm văn: “Anh/ chị hãy phân tích đoạn thơ trên” (là NLVH), và cũng yêu cầu tiếp theo là: “Từ đó, bày tỏ suy nghĩ về lòng yêu nước của thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay” (là NLXH). Thứ ba, ở phần đọc hiểu của hai đề hệ THPT và GDTX đều có phần đọc hiểu và phần yêu cầu “viết đoạn văn ngắn”. Điều này cho thấy có sự tích hợp giữa đọc hiểu văn bản – gồm nhiều văn bản: Văn học, văn bản thông tin (chính luận, báo chí, khoa học, hành chính…) và biết vận dụng vào đời sống thực tế xã hội. Thứ tư, ngoại trừ phần câu hỏi làm văn của đề thi hệ THPT, thì còn lại đều là những câu hỏi về các vấn đề thời sự nóng bỏng như: Độc lập, chủ quyền dân tộc; thái độ, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với chủ quyền đất nước…
Tuy nhiên, trong đề thi môn ngữ văn năm nay cũng có những “hạt sạn”. Cụ thể, ở câu hỏi phần đọc hiểu của đề thi hệ GDTX, sau khi trích dẫn đề bài lại kèm theo phần chú thích: “Điếu phạt: (điếu: Thương, phạt: Trừng trị) rút từ ý “Điếu dân phạt tội”, nghĩa là thương dân, đánh kẻ có tội”. Tại sao đi hỏi câu đọc hiểu mà đề lại giải nghĩa? Chẳng phải tác phẩm Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi đã học ở bậc THCS và lên lớp 10 cũng được học nữa rồi ư? Lại nữa, đề thi chia làm hai phần. Ở phần thứ hai gọi là làm văn. Tuy nhiên, ở phần thứ nhất (đọc hiểu), trong đề thi của hệ THPT, câu 3 là: “Viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của anh/chị về sự kiện trên”; hoặc hệ GDTX, cũng câu 3 là: “…viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ anh/chị…”. Các yêu cầu đó có phải là làm văn hay không? Đồng ý rằng phần nào đó (về khái niệm) thì đoạn văn có khác với bài văn!
Trần Ngọc Tuấn (GV Trường THPT Lý Tự Trọng TP.HCM)
Bình luận (0)