Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Nhật thiết kế sân bay vũ trụ đẹp như mơ

Tạp Chí Giáo Dục

Sân bay vũ trụ Spaceport City đặt ở Tokyo được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động trong 10 năm tới.
Các công ty như Virgin Galactic, Blue Origin, và SpaceX đang chạy đua trong thị trường bay vũ trụ thương mại. Đặc biệt SpaceX đang hợp tác với công ty Space Adventures ở Mỹ để đưa một nhóm nhỏ du khách vào không gian đầu năm 2021. Khi các chuyến bay kiểu này trở thành hiện thực, hành khách có thể khởi hành từ sân bay vũ trụ. Đây là một trạm giao thông mới, kết hợp du hành không gian với xe tự lái, nghiên cứu, giải trí và kiến trúc tương lai. Thiết kế Spaceport City là đề xuất của Hiệp hội sân bay vũ trụ Nhật Bản (SPJ), công ty truyền thông Dentsu, công ty thiết kế Canaria và kiến trúc sư đến từ Noiz.
Thiết kế của Spaceport City.
Thiết kế của Spaceport City.
Theo đề xuất, sân bay ở Tokyo sẽ vận hành dịch vụ hai dịch vụ tàu con thoi thương mại dài hai giờ, đưa hành khách tới độ cao 100 km trước khi trở lại Trái Đất. Tàu con thoi sẽ phóng từ vị trí thẳng đứng như máy bay thông thường, thay vì tên lửa cất cánh lên cao. Hành khách phải đến trước để kiểm tra thể chất và tập huấn trong 3 ngày. Các nhân viên sẽ đón họ vào ngày khởi hành bằng xe limousine và đưa họ tới cửa lên tàu.
Spaceport City sẽ vận hành như một cơ sở để nghiên cứu và kinh doanh về vũ trụ. Địa điểm này cũng sẽ được dùng để tổ chức các show diễn và hội thảo quốc tế. Ngoài ra, Spaceport City còn bao gồm khách sạn, rạp chiếu phim 4D, bể bơi, bảo tàng nghệ thuật, phòng gym, thủy cung. Nhà hàng và nông trại cũng sẽ bán đồ ăn phi hành gia bao gồm côn trùng, tảo và thịt chay.
Phần mái lớn phủ pin mặt trời sẽ "lơ lửng" phía trên toàn nhà và hai tầng quảng trường lớn. Tổ hợp được chia thành các khu vực khác nhau, dựa trên yêu cầu an toàn. Khu vực sẽ bao gồm hai tòa tháp lớn, một dành cho khách đến và tòa còn lại cho khách đi.
Cả công trình sẽ là một hệ sinh thái nhỏ với hệ thống giao thông thông minh như xe tự lái, tàu tự hành và xe scooter điện. SPJ hy vọng sân bay hàng không ở Nhật sẽ đi vào vận hành trong 10 năm tới. Để làm được điều đó, hiệp hội đang hợp tác với hàng chục công ty như Mitsubishi, Airbus Japan, và Japanese Airlines.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)