Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhặt trên đường viết báo

Tạp Chí Giáo Dục

Thành Hoàng Đế ở huyện An Nhơn, Bình Định

Lại một mùa thu nữa lại về với những chuyến đi đủ nắng, mưa và đủ cả vui buồn đến những vùng đất khác nhau trên đất nước để viết bài về du lịch. Với tôi, đi ngoài việc chiêm nghiệm cuộc sống, để thấy cái mình được to lớn quá so với những chông chênh phận người mà mình chạm gặp. Đi, cũng để chạm đến những huyền thoại, những sư tích mà có thể chỉ nghe, chỉ xem mà chưa lần gặp, chưa lần chạm đến. Cho nên, bất cứ lúc nào được đi tôi cũng đều tìm cách lên đường. Tôi cũng hay đùa với bạn bè là với tôi tiền bạc tôi có được là… nhặt ở trên đường. Bởi chỉ cần chậm chân đến một vùng đất nào đó, gặp gỡ trò chuyện và dùng mấy ảnh ghi lại hình ảnh: con người, di tích, đền chùa, thắng cảnh… là đã ra chuyện. 

Trong những rong ruổi trên đường ấy, góp lại buồn vui gần như khôn cùng. Tôi đã tìm cách để tới cho bằng được Thành Hoàng Đế ở huyện An Nhơn, Bình Định. Đi qua những kinh thành vua chúa hưng thịnh xưa đều mang cho trong lòng tôi những âm thanh chùng lại.

Tôi vẫn thường tìm đến những dấu vết vương triều xa xưa. Đó là nhìn lại một đoạn lịch sử của cha ông. Đến Thanh Hóa, ngoài việc đến Làng Đọ nằm ở huyện Thiệu Hóa để nhìn thấy sông Mã, sông Chu lịch sử đang cuộn trùng nước, là tìm đến câu chuyện ngày xưa nơi đây khai sinh lịch sử loài người. Lại rong ruổi đến tận Lam Kinh thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân để tìm ngôi mộ của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) người anh hùng áo vải đã dựng cờ nghĩa chiến thắng giặc Minh. Lam Kinh cũ nay chỉ còn những tảng đá làm móng trụ, ngôi mộ đơn giản nằm trong cánh rừng. Lại tiếp tục cuộc hành trình đến Thành Nhà Hồ nằm ở huyện Vĩnh Lộc. Đọc lại lịch sử với triều đại nhà Hồ ngắn ngủi chỉ tồn tại được 7 năm (1400-1406) bởi vì không được lòng dân, nên một lần nữa đất nước lại rơi vào tay ngoại xâm mà chạnh lòng. Buổi chiều đến thành Nhà Hồ, lên bức tường đá cao vời là nhân chứng lịch sử còn lưu lại sau 6 thế kỷ, nhìn  xa xa những ruộng lúa đang reo vui như mặc cho thời gian mưa nắng lướt qua, lòng mang nỗi buồn man mát. Rồi đến Quảng Bình, tìm gặp một đoạn tường thành rất ngắn của Lũy Thầy xưa như hững hờ cùng dòng Nhật Lệ nước trôi.

Khu di tích Nguyễn Du

Tôi đến Hà Tĩnh đến thăm Khu di tích Nguyễn Du. Lòng êm đềm đi vào trong không gian thơ của đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) rồi trở về viết: “Nơi Nguyễn Du viết truyện Kiều” chợt bật cười với câu nói của người dân ở đây: “Có thấy tượng cụ Nguyễn Du giống như đúc không?” (Ý nói là tượng giống như được đúc ra vì sinh thời nhà thơ không lưu một hình ảnh nào). Rồi lại tiếp tục cuộc hành trình đến Quảng Ninh, tới Uông Bí mà chinh phục Yên Tử. Yên Tử đó như một vùng đất thánh, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) từ bỏ ngai vàng, chọn làm chốn tu hành. Nghe kể chuyện suối giải oan, nơi các cung tần mỹ nữ quyết định đi theo ông, ông không cho ở lại đã trầm mình ở dòng suối này. Lên hai lần cáp treo, theo những người hái măng vào rừng xem thử cách mưu sinh của họ. Cứ vượt lên trên tận cùng Yên Tử, nhìn tượng An Kỳ Sinh giống hình người nhìn xuống thế gian. Và tận cùng của núi ấy là chùa Đồng linh thiêng.

Đi là niềm hạnh phúc của người làm báo. Đi, là để cảm nhận những mưa nắng trên đường, để nhìn thấy lộng lẫy đất trời nước Việt. Đi mới có bình minh trên biển Lăng Cô, để nghe tiếng mái chèo vỗ bên sông Hương và đến từng lăng tẩm triều vua ở Huế. Mỗi một vùng đất là một câu chuyện không cùng. Mỗi con người chợt gặp trên rong ruổi ấy cũng là một câu chuyện. Ngay cả những bất trắc trong cuộc hành trình òa vỡ ngàn điều mới mẻ ấy cũng là câu chuyện.

Thành Nhà Hồ nằm ở huyện Vĩnh Lộc; Hà Tĩnh

Tôi đã lạc lối trong đại ngàn Trường Sơn trong buổi chiều vàng úa khi chiếc xe chở tôi đi lạc khi trên đường Hồ Chí Minh. Cũng thử lom khom vào địa đạo Củ Chi, vào vườn chim Cà Mau khi hoàng hôn xuống để nhìn bầy chim ríu rít tìm về. Cũng có thể kể cảm giác khi đi trên sông Cổ Chiên nhìn lục bình trôi mêng mang hay cùng tham gia một phiên chợ nổi trong cơn mưa như trút nước ở Cái Răng, Cần Thơ.

Tôi đã đứng trong cơn mưa để ngắm nhìn thánh địa La Vang, dừng chân bên bờ sông Bến Hải để ngắm nhìn cầu Hiền Lương. Tôi  leo lên những bậc tam cấp lên đền Hùng Vương và dừng chân ở giếng ngọc. Tương truyền giếng xưa chỉ là vũng nước, là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua đây. Tôi cũng đã dừng chân ở Lạng Sơn, bước qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc khi mùa hoa gạo đỏ cả một khung trời khiến lòng nao nao. Cũng trong hành trình ấy những cơn mưa theo, những  ánh nắng về. Hành trình ấy  lại có thêm nhiều người bạn, tập làm những món ăn của vùng miền.

Và gần đây, tôi lên tận Đồng Văn, theo chân mọi người đến đèo Mã Pí Lèng, cột cờ Lũng Cú. Trong thênh thang của miền đất cực Bắc Tổ quốc ấy, nhìn những em trẻ vẫy tay trong mưa, lòng lại thêm những cảm xúc. Hạnh phúc cho bất cứ ai được đi đến nhiều nơi. Và hạnh phúc cho những bước chân đi. Và chính nhờ những rong ruổi không cùng ấy, mà ở bài viết này chỉ là vài nét chấm phá một phần nhỏ cuộc hành trình. Chúng đã trở thành những bài viết của tôi.

Khuê Việt Trường

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)