Thảo luận quanh dự án Luật Giáo dục chiều 30/10, nhiều đại biểu nhất trí, quy trình thành lập trường ĐH phải qua 2 bước: quyết định thành lập trường và cấp phép hoạt động.
Một trong số các đại biểu ủng hộ quy định trên là đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai). Đại biểu này cũng thống nhất, việc phân cấp cho Bộ trưởng Bộ GD quyền ra quyết định thành lập trường. Bà chỉ nhấn mạnh, để tránh việc thành lập, cấp phép bừa bãi thì cần xây dựng hệ thống kiểm tra chặt chẽ, trước hết là việc cấp phép thành lập trường, cấp phép hoạt động. Nếu sau 3 năm kể từ khi được cấp phép mà trường không hoạt động thì phải bị xử lý theo Luật.
Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho rằng, việc tách ra hai bước phải khiến cho cơ quan thẩm định hồ sơ hai lần, một lần trước khi quyết định thành lập và một lần trước khi cho phép quyết định thành lập. Như vậy việc kiểm soát sẽ chặt chẽ hơn.
“Hiện nay quy định cho phép thành lập và hoạt động trong dự thảo luật còn chung chung, dự thảo cũng không quy định những vấn đề có tính nguyên tắc như phải quy định thời gian tối đa từ khi thành lập trường đến khi cho phép hoạt động, việc phân cấp giữa trung ương và địa phương về cho phép thành lập. Theo tôi, tối đa trong vòng 2 năm kể từ khi được thành lập trường phải đạt đầy đủ các điều kiện mới được cấp phép hoạt động, quá thời hạn trên mà chưa đầy đủ điều kiện thì sẽ tiến hành giải thể”, đại biểu Thanh đề nghị.
Quan điểm quy về một mối, giao cả việc ra quyết định thành lập và cấp phép hoạt động cho trường ĐH về Bộ trưởng Bộ GD&ĐT của đại biểu Hải cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.
Đai biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhận xét, việc giao quyền ra quyết định thành lập trường cho Bộ trưởng chính là biện pháp để nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của người đầu ngành. Nếu thực hiên như hiện nay thì rất khó quy trách nhiệm.
Cũng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) đánh giá, việc tách quy trình thành lập trường thành hai bước rõ ràng, trách nhiệm cá nhân ở mỗi bước cũng khá cụ thể là hợp lý.
Theo đại biểu Thủy, thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học không nhất thiết phải giao cho Thủ tướng thì mới đủ trách nhiệm, vì khi Bộ trưởng ra quyết định thì cũng là căn cứ vào các điều kiện hết sức nghiêm ngặt của luật. Nếu Bộ trưởng Bộ ký sai thì phải chịu trách nhiệm.
“Nếu để thẩm quyền quyết định cho Thủ tướng như hiện nay thì theo quy trình cũng là phải qua khâu trình và tham mưu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nên thực chất Thủ tướng cũng chỉ là người ký mà thôi, nếu có vi phạm xảy ra thì không biết phải quy trách nhiệm cho ai”, đại biểu Thủy nói.
Đại biểu Sùng Thị Chư (Yên Bái) kiến nghị thêm, song song với việc phân cấp nhiều hơn cho Bộ trường, Luật cũng phân cấp mạnh hơn cho các trường để tăng tính chủ động.
Tán thành việc giao Bộ trưởng quyết định thành lập trường ĐH là phù hợp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) chỉ đề nghị, Luật làm rõ thêm, thế nào là “trường hợp đặc biệt” thì do Thủ tướng quyết định. Bởi nếu không, sẽ dễ dẫn đến những sự nhập nhằng, phát sinh về sau.
Đại biểu Phan Thị Hải ( Đồng Nai) nhấn mạnh, hiện nay việc nâng cấp các trường trung cấp lên cao đẳng từ cao đẳng lên đại học diễn ra khá nhanh và tràn lan không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là xã hội đang cần một nguồn lực phục vụ kinh tế xã hội, ngành giáo dục đã và đang đáp ứng nhu cầu này. Vì vậy, vấn đề không phải là hạn chế sự phát triển thành lập các trường ĐH, cao đẳng mà quan trọng nhất là xây dựng một hệ thống kiểm tra chặt chẽ từ khâu thẩm định cấp phép thành lập trường đến khâu cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, cũng có một số đại biểu lo ngại, việc giao quyền quyết định thành lập trường cho Bộ trưởng có thể khiến số lượng các trường ĐH “bùng nổ” và ủng hộ quan điểm của UB thẩm tra của QH là vẫn giữ nguyên việc phân cấp như hiện nay: Thủ tướng ra quyết định thành lập trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động.
Đại biểu Trần Thành (Hà Nam) nói: “Theo tôi, quyết định thành lập trường nên do Thủ tướng quyết định. Tôi chỉ lấy ví dụ về việc quy hoạch sân golf, khi Thủ tướng nắm quyền quyết định thì cấp có 3, nhưng khi giao cho địa phương thì lên đến 163”.
Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cũng ủng hộ hướng này. Ông nói: “Nhiều đại biểu cho rằng dự án luật tách quy trình thành lập trường ĐH thành hai bước rõ ràng, trách nhiệm cá nhân ở mỗi bước cũng khá cụ thể rồi, nhưng tôi vẫn nhất trí với với báo cáo thẩm tra là giao thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục đào tạo thẩm quyền cấp phép hoạt động cho trường ĐH đó”.
Theo HNM
Bình luận (0)