Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhặt ve chai qua “cò”

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng chục con người già, trẻ, gái, trai “đóng đô” ở các công trình san lấp mỗi khi nhận được “lịch làm việc”. Để được nhặt ve chai ở công trình, mọi người đều phải chấp hành “luật” do “cò” quy định. Chúng tôi đã có nửa ngày với những con người đã và đang sống nhờ vào phế liệu nằm đâu đó trong đất.
“Phí” hành nghề
6 giờ 45 phút sáng, chiếc xe ủi đang bon bon trên đường bỗng rẽ vào một khu đất trống ở khu Nam Sài Gòn. Một tốp người đủ mọi thành phần già, trẻ, trai, gái đi xe đạp, xe máy cũng rẽ theo. Họ dừng lại ở một mô đất ven đường, tất cả đang chuẩn bị đồ nghề để nhặt ve chai.
Tiếng động cơ xe ủi ầm ào không dứt, cứ xe ủi múc một gàu đất lên là hàng chục con người nhào đến nhặt từng mảnh sắt vụn. Người nhặt ve chai mỗi lúc một đông hơn. Tôi không thể đếm được chính xác có bao nhiêu người đang nhặt ve chai ở đây vì họ cứ nhào tới nhào lui, chạy ra chạy vào theo từng cuốc đất mà xe ủi di chuyển. Không còn cách nào khác, tôi quay ra bãi xe đếm xe để tính đầu người. Con số mà tôi thống kê được cho đến thời điểm 7 giờ 15 phút là 43 chiếc (trong đó có 39 chiếc xe đạp và 4 chiếc xe gắn máy).
Từ xa nhìn lại, hầu hết người đi đường đều nghĩ rằng khu đất ấy đang xuất hiện một cái chợ tự phát. Đập vào mắt người đi đường đó là một bãi xe đạp, xe máy, những chiếc nón lá trắng ngời đang chụm đầu vào nhau như thể họ đang trao đổi, mua bán. Và điều dễ đi đến kết luận đó là chợ bởi dáng người chạy nháo nhào giống ở các chợ tự phát khi có công an đến dọn dẹp lòng lề đường.
Tôi tiến gần đến một phụ nữ theo tôi là hoạt bát, lanh lợi hơn cả trong số người ở đây để làm quen. Như sợ mất “miếng ăn”, chị chẳng thèm há miệng trả lời dù chỉ một câu thiếu chủ vị. Quay sang một phụ nữ khác, chị này vui tính, hay cười. Nụ cười của chị giòn tan, rắn rỏi. Ánh mắt chị long lanh, gần gũi như thể chúng tôi đã quen nhau từ lâu lắm. Chị cho biết tên mình là Dương Ngọc Hà, quê ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, vào TP.HCM tìm việc làm từ năm 2002. Cũng giống như bao người khác, chị Hà biết được “địa chỉ” nhặt ve chai thông qua “cò”. “Cò” chính là người lái xe ủi san bằng khu đất này. Để được “làm ăn” tại đây, mỗi người nhặt ve chai phải “đóng thuế” từ 2 đến 5 kg sắt/ ngày. Liệu có đủ để đóng sở hụi không? Tôi hỏi. “Không đủ cũng phải quy ra tiền mà trả 5, 3 ngàn cho có lệ để hôm sau còn được làm ăn”. Chị Hà nói.
Qua tìm hiểu, ở nơi nhặt ve chai này có hai dạng lao động: lao động nặng và lao động nhẹ. Lao động nhẹ cũng được chia nhóm theo tuổi tác và giới tính chủ yếu nhặt ve chai ở khu đất mà xe ủi đang hoạt động. Còn lao động nặng là những thanh niên trai tráng chuyên thu mua bê tông các công trình đã cắt bỏ để đập lấy sắt bán. Để có được những khối bê tông như thế, người lao động phải mua mão (mua đứng), lời ăn lỗ chịu. Sau khi có được mối, xe tải chở bê tông ra đây đổ, thương lượng giá cả xong chồng tiền liền. Người đập bê tông cũng phải trả tiền phí môi giới cho “cò” tùy theo số lượng nhiều hay ít.
Mặt trời đã lên cao, cái nắng hanh, oi bức bắt đầu bao trùm cả khu đất không một bóng cây.
Vừa ăn vừa chạy
Dưới cái nắng, tiếng nói cười của người lao động mỗi lúc một vang to như để xua tan bao mệt nhọc. Chốc chốc bác tài xế xe ủi phải ngưng làm việc để “lưu ý” những người nhặt ve chai bám sát xe để tránh những tai nạn đáng tiếc.
10 giờ sáng, chiếc xe ủi tạm ngưng hoạt động. Người nhặt ve chai ai nấy đều thu dọn phế liệu đã nhặt được về bên chiếc xe của mình tranh thủ phân loại, vào bao và chất lên xe. Đứng trước bao phế liệu kha khá, chị Nguyễn Thị Gái (quê Hải Hậu, Nam Định) hồ hởi khoe: “Hơn cả tuần nay, ngày nào cũng nhặt được hơn 20 kg phế liệu các loại. Khu đất này được đổ hơn một năm nhưng đất cứng quá không có ai đủ sức để đào. Nhờ có xe ủi san lấp mới làm ăn được”. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như chị Gái. Bên tay trái tôi, cô bé ước chừng 13, 14 tuổi người đen như cái bánh ít đứng nhìn các dì, các cô cân phế liệu một cách thèm thuồng. Sáng giờ em nhặt được bao nhiêu kg rồi? Tôi hỏi. Câu hỏi của tôi như làm cô bé tủi thân thêm, cô bé đưa hai tay túm nhanh cái miệng bao nhẹ tênh đưa qua phía sau để tránh cái nhìn tò mò của tôi. Chị Gái cho biết: “Nó mới đi làm ngày đầu, hôm qua mẹ nó giẫm phải miễng chai, nghe đâu đau nhức không đi nổi nên nó phải thay mẹ”.
12 giờ trưa, người nhặt ve chai thưa dần. Mọi người chia nhau theo từng nhóm để bắt đầu bữa trưa. Xôm tụ nhất phải kể đến là nhóm của chị Hà, chị Gái… Không thể nào chạy trốn cái nắng, mọi người ngồi ăn uống giữa cái nắng rát da. Sở dĩ không một ai đi tìm chỗ mát để ăn trưa là vì không biết máy ủi làm việc lại lúc nào, sợ mất một vị trí thuận lợi mà họ đã cất công đi từ sáng sớm để chọn lựa. Bữa cơm trưa hôm nay của ông Thành (mọi người thường gọi là bác Thành) chỉ độc nhất một món đó là muối tiêu. Tay ông Thành run lẩy bẩy, thật khó khăn lắm ông mới đưa được muỗng cơm vào miệng như thể đệ tử lưu linh lên cơn nghiện rượu. Thấy tôi chăm chú nhìn, anh Sang ngồi bên cạnh liền minh oan: “Sáng giờ đập bê tông, cái búa nặng quá nên tay chân run lên đó”. Ông Thành tâm sự: “Mình cũng qua rồi cái thời trai trẻ, không còn lanh lợi như đám thanh niên trai tráng nên phải chịu khó đập bê tông. Hai, ba người lãnh vài mét bê tông/ ngày cũng tạm đủ sống, có điều nhiều đêm người ê ẩm, nhức mỏi không tài nào trở mình được”.
Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)